Ngày Online Friday: Kiểm soát chặt, loại bỏ khuyến mãi kém chất lượng

Chương trình Mua sắm trực tuyến (Online Friday) không chỉ thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia mà các khuyến mãi không đúng đăng ký và kém chất lượng sẽ bị loại bỏ.
Ngày Online Friday: Kiểm soát chặt, loại bỏ khuyến mãi kém chất lượng ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Ban tổ chức)

Theo Ban tổ chức chương trình Mua sắm trực tuyến (Online Friday), không chỉ thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia mà các khuyến mãi không đúng đăng ký và kém chất lượng sẽ bị loại bỏ.

[Nhiều bất ngờ lớn trong Ngày mua sắm trực tuyến diễn ra vào 29/9]

Tiếp sau sự kiện mua sắm mùa Thu được tổ chức vào ​ngày 29/9, Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday 2017) lớn nhất trong năm dành cho cộng đồng doanh nghiệp thương mại điện tử và người tiêu dùng tại Việt Nam sẽ chính thức quay trở lại vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng 12 tới (ngày 1/12).

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong ngày Online Friday, người tiêu dùng có thể thoải mái mua sắm và tương tác với các doanh nghiệp thông qua các hoạt động online cũng như tại các sự kiện offline với nhiều khuyến mãi cực lớn.

Đáng chú ý, nhằm tăng chất lượng của sản phẩm và các chương trình khuyến mãi, năm nay, Ban tổ chức của Online Friday quyết định tập trung vào việc thu hút sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp lớn như: Adayroi, Lazada, Shopee, Nagakawa, Sunhouse, FPT, Anbico, Thế giới xe điện xanh, Công ty May Nhà Bè, Sendo, Động Lực, Badasa, Leflair,… Ngoài ra, chương trình còn thu hút được các nhóm doanh nghiệp về ngân hàng, chuyển phát, v.v…

Điểm mới và nổi bật của Online Friday 2017 là Ban tổ chức sẽ tập trung nguồn lực tối đa để xây dựng và phát triển các quy trình đăng ký chặt chẽ, áp dụng các quy chế về báo hàng xấu và xử phạt để đảm bảo các khuyến mãi chất lượng, hấp dẫn đến với người tiêu dùng.

Đặc biệt, Ban tổ chức còn đưa ra cơ chế minh bạch về sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ về giá thành và chất lượng của sản phẩm. Theo đó, các sản phẩm tham gia Online Friday 2017 phải đưa ra đúng giá gốc, sản phẩm có chứng nhận xuất sắc, chính sách đổi trả rõ ràng và quan trọng nhất là phải thực hiện đúng mức khuyến mãi, giảm giá và đăng ký.

"Với những sự thay đổi đáng kể này, Ban tổ chức Online Friday tin rằng sẽ xây dựng được một sân chơi minh bạch, tin cậy, có thể bảo vệ quyền lợi và niềm tin của người tiêu dùng. Đây chính là nền tảng cơ bản để ngành thương mại điện tử tại Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ," đại diện Ban tổ chức sự kiện Online Friday cho biết thêm.

Trước đó, trong ngày 29/9 vừa qua, chương trình mua sắm trực tuyến mùa Thu đã thu hút hơn 600 doanh nghiệp tham gia, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, Online Friday tháng Chín còn thu hút hơn 530 đơn vị bán lẻ trực tuyến đã đăng ký, 80 thương hiệu kinh doanh theo chuỗi và tại các trung tâm thương mại tham gia.

Đáng chú ý, chỉ trong một ngày tổ chức, đã có hơn 400.000 voucher điện tử được đưa lên hệ thống http://shop.onlinefriday.vn để người tiêu dùng lựa chọn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.