Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam: Cơ hội để tôn vinh bạn đọc

Điểm chung của các thông điệp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay đều hướng đến việc phục vụ bạn đọc với những cuốn sách hay, để từ đó lan tỏa văn hóa đọc.

Hội sách với nhiều chính sách ưu đãi luôn thu hút đông đảo bạn đọc nhiều lứa tuổi. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hội sách với nhiều chính sách ưu đãi luôn thu hút đông đảo bạn đọc nhiều lứa tuổi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) năm 2024 sẽ khai mạc tối 17/4 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. Sau đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ diễn ra rộng rãi trên cả nước đến ngày 1/5.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về những điểm mới của sự kiện này.

Sách 'đi tìm' bạn đọc

- Thưa Cục trưởng, xin ông cho biết những điểm mới của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba-năm 2024?

Ông Nguyễn Nguyên: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay có nhiều điểm mới, hứa hẹn gây ấn tượng với công chúng tham dự.

hopbao_cucxuatban8_znews.jpg
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong buỗi họp báo Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đổi mới đầu tiên là công tác dàn dựng sân khấu được ứng dụng công nghệ hiện đại. Chúng tôi sẽ không sử dụng backdrop, biểu ngữ hay lẵng hoa trang trí. Công chúng có thể sẽ bất ngờ vì sân khấu đơn sơ, giản dị. Toàn bộ phông nền của chương trình khai mạc sẽ được trình chiếu lên Nhà Thái học bằng công nghệ 3D mapping.

Lễ khai mạc được chia thành 2 chương. Chương đầu gắn với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam. Chương hai là sự phát triển của ngành xuất bản trong thời gian qua để phục vụ cho việc nâng cao dân trí, phát triển văn hóa.

Điểm mới tiếp theo là triển lãm và hội sách trực tuyến trên nền tảng số quốc gia vietnam.vn do Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin-Truyền thông) xây dựng. Qua đó, các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ được giới thiệu đến bạn đọc trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Nền tảng này sẽ kết nối bạn đọc đến sàn mua bán sách trực tuyến book365.vn.

ngaysach.png
Phối cảnh 3D của lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024. (Ảnh: BTC)

Hiện nay, các đơn vị vận hành nền tảng số quốc gia và sàn sách trực tuyến book365.vn đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng và hoàn thiện các kết nối giữa hai nền tảng. Hội sách trực tuyến cũng đã nhận được cam kết đồng hành từ phía các nền tảng thanh toán trực tuyến, các đơn vị vận chuyển nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bạn đọc ở nước ngoài có thể mua sách từ các nhà xuất bản và đơn vị phát hành trong nước.

- Ông có thể lý giải thêm về ý nghĩa các thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay?

Ông Nguyễn Nguyên: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 có 4 thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc,” “Sách quý tặng bạn,” “Tặng sách hay-Mua sách thật,” “Sách hay: Mắt đọc-Tai nghe.”

Điểm chung của các nội dung này đều là về sách hay, đều hướng đến bạn đọc với tinh thần 'gốc rễ sự phát triển của sách là văn hóa đọc.' Tuy nhiên, để văn hóa đọc lan tỏa cần hướng đến mỗi vùng miền, mỗi đối tượng khác nhau, vì thế mỗi thông điệp mang ý nghĩa truyền thông riêng phù hợp.

Ví dụ, "Sách hay cần bạn đọc" nghĩa là những người làm xuất bản sẽ chủ động hơn trong công việc của mình, để sách tìm đến với người đọc thay vì để người đọc đi tìm sách, bởi nếu không có bạn đọc thì cũng không có ngành sách.

Với thông điệp "Tặng sách hay-Mua sách thật," chúng tôi đề cập đến thực tế ngành xuất bản vẫn đang đối mặt với tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan. Để giải quyết căn cơ bài toán này, việc thay đổi nhận thức của độc giả có ý nghĩa quyết định cùng với các giải pháp khác. Độc giả muốn có sách hay hãy ủng hộ sách thật. Người làm sách kỳ vọng mọi người mua sách hay, sách thật chứ không phải sách vi phạm bản quyền. Đó là động lực để ngành xuất bản có sự phát triển lâu dài và bền vững.

Qua thông điệp “Sách quý tặng bạn,” chúng tôi mong rằng sản phẩm sách sẽ trở thành một món quà tặng thường xuyên trong tất cả hoạt động sự kiện tiêu biểu với ý nghĩa trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Việt. Thay vì các món quà mang giá trị vật chất, mong rằng người Việt sẽ xây dựng thói quen tặng nhau những cuốn sách.

hoixuatban1209
Sách điện tử phát triển là yêu cầu của thời đại. (Ảnh: Fonos)

Cuối cùng, "Sách hay: Mắt đọc-Tai nghe" là câu chuyện của sự phát triển đáp ứng các yêu cầu của thời đại. Sách hiện nay đa hình tướng, không chỉ có sách truyền thống mà có nhiều hình thức mới như 3D, sách nói… Cho nên "mắt đọc, tai nghe" để đảm bảo rằng sách tiếp cận được độc giả.

Tương lai của sách điện tử

- Năm 2023 ghi nhận dấu ấn nổi bật của ngành xuất bản về chuyển đổi số. Ở thời điểm này, ông có đánh giá như thế nào về sự phát triển của sách nói và sách điện tử?

Ông Nguyễn Nguyên: Thời gian qua, xuất bản điện tử nói riêng và chuyển đổi số ngành xuất bản nói chung đã có bước tiến tương đối mạnh mẽ. Năm năm trước, chúng ta chỉ có hai nhà xuất bản tham gia, mỗi năm xuất bản 18 đầu sách điện tử. Thời điểm này, đã có 27 nhà xuất bản, mỗi năm xuất bản trên 4.000 đầu sách điện tử.

Điều này cho thấy chuyển đổi số trong ngành xuất bản đã có kết quả tương đối rõ nét, nhưng so với yêu cầu thì còn rất nhiều điều phải bàn. Tôi có thể nêu ra một số hạn chế như: Thị trường xuất bản điện tử chưa phát triển, ngoại trừ sách nói; hệ sinh thái sách chưa có; bảo vệ bản quyền sách trong môi trường số còn nhiều bất cập…

Công tác chuyển đổi số cũng được thể hiện rõ nét trong hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Cụ thể, các hoạt động sẽ định hướng tổ chức theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại, như: Hội sách trực tiếp, hội sách trực tuyến trên các nền tảng công nghệ; hội sách trực tiếp kết hợp với trực tuyến; hội sách thanh toán không sử dụng tiền mặt; đổi điểm thưởng tích lũy của khách hàng tại một số ngân hàng thương mại lấy quà tặng bằng sách; kết hợp truyền thông, quảng bá sách và văn hóa đọc trên các chuyên mục báo điện tử, mạng xã hội.

xuatban2.jpg
Nhiều ấn phẩm mới được xuất bản gần đây nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

- Ông có kỳ vọng gì về Ngày Sách và Văn hoá đọc đối với việc phát triển văn hóa đọc Việt Nam?

Ông Nguyễn Nguyên: Qua việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc, chúng tôi khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

Và điều căn cốt nhất là chúng tôi tôn vinh bạn đọc. Sự kiện cũng tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc đặt mục tiêu nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hội chợ Sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba được tổ chức tại khu vực Hồ Văn, Văn Miếu-Quốc Tử Giám với không gian giới thiệu, quảng bá sách của các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp công nghệ. Dự kiến có khoảng 40 đơn vị tham gia, trưng bày, giới thiệu và cung cấp cho bạn đọc trên 40.000 đầu sách có giá trị.

Hội chợ Sách cũng sẽ có nhiều sự kiện tọa đàm, giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật tiêu biểu...

Trong thời gian diễn ra Hội sách (17-21/4), các đơn vị xuất bản, phát hành sẽ có nhiều chương trình khuyến mại tri ân khách hàng với nhiều ưu đãi hấp dẫn dành cho bạn đọc cả trực tiếp lẫn trực tuyến.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục