Mỗi lần xem Bùi Công Duy kéo đàn trên sân khấu, tôi từng có ý nghĩ, ông trời thật khéo ban tặng cho người nghệ sỹ này quá nhiều thứ: Ngoại hình, tài năng, phong thái… Trở thành người nước ngoài đầu tiên được tuyển vào dàn nhạc dây danh tiếng Virtouse Moscow, thế nhưng, Bùi Công Duy lại quyết định về nước. Người người bảo anh là “dở hơi mà về à?”
Thấm thoắt, đã tròn đúng 10 năm…
“Dở hơi mà về à?”
- 10 năm, như một chớp mắt, nhưng cũng đã đủ để Bùi Công Duy làm được quá nhiều đầu việc lớn, trong một môi trường mà trước đó, ai cũng nghĩ sẽ rất dễ kìm hãm và có thể khiến một nghệ sỹ đẳng cấp quốc tế như anh bị cụt hứng, lụi nghề?
Bùi Công Duy: Không phải là không từng có những lúc như vậy, nhất là trong những ngày đầu tìm kiếm tiếng nói chung giữa hai bên. Thời gian đầu, lúc mới chân ướt chân ráo tại Nhạc viện Hà Nội, tôi thậm chí còn dính phải một cuộc kiện tụng nội bộ, cùng nhiều lời đồn đoán vây bủa quanh, nào là “chảnh,” tham quyền cố vị… Sự thật là, lúc biết tôi có ý định về nước, bạn bè và người thân gàn tôi: “Dở hơi mà về à?”
- Thời điểm này, anh có câu trả lời chưa?
Bùi Công Duy: Sau 10 năm, câu trả lời của tôi là: Bùi Công Duy không những không bị lụi nghề mà vẫn lao động miệt mài, sự nghiệp còn tốt hơn lên rất nhiều. Tôi trưởng thành hơn, biết được nhiều thứ tôi chưa từng được biết, làm được nhiều việc tôi mong muốn làm, và vẫn kết nối được với bên ngoài… Cùng với nhiều người khác, tôi đang góp một tay tác động làm nên những đổi tahy. Làm nghệ thuật, môi trường làm nghề chỉ là một phần. Mọi sự, trước hết và trên hết, đều là do nội lực tự thân.
- Nhiều người vẫn nghĩ, cũng như những “con nhà” khác, Bùi Công Duy 10 năm qua chỉ việc “ngồi mát ăn bát vàng”?
Bùi Công Duy: Thì rõ, dân mình thường hay nghĩ ngô nghê và hồn nhiên thế mà (cười). Bây giờ, tôi vẫn nhìn thấy những ý nghĩa đó trong những cặp mắt người khác khi nhìn vào thành công của chính mình. Làm gì có điều gì dễ dàng, nhất là thành công. Thật khó đòi hỏi mọi người phải hiểu Bùi Công Duy đã từ bỏ một nơi mà trước giờ diễn, chỉ cần làm một việc duy nhất là chuẩn bị tâm lý thật tốt để biểu diễn, và khi diễn xong, sẽ “có người mang nước cho uống, mang khăn cho lau”, thì khi quyết định trở về, Bùi Công Duy buộc giống như tất cả các nghệ sỹ trong nước phải trở thành một “kẻ đa năng bất đắc dĩ." Trình độ tổ chức biểu diễn còn thiếu chuyên nghiệp ở Việt Nam khiến người nghệ sỹ phải tự làm quá nhiều việc bếp núc trước khi vác cây đàn ra sân khấu.
- Nghe đâu, cũng chính anh, người từng làm cuộc cách mạng “đòi cátxê”?Dù rằng, cuộc nổi dậy đó cuối cùng vẫn "chìm vào biển máu"…
Bùi Công Duy: Đấy, còn bị tẩy chay mãi vì vụ đó (cười). Nói là cuộc cách mạng thì to tát quá, thực ra tôi chỉ muốn đòi lại sự quân bình cho nghệ sỹ nhạc cổ điển, trả nó về đúng với vị trí nó xứng đáng được thụ hưởng, kể cả trong một môi trường làm nghề khó khăn nhất.
Còn nhớ, hồi tôi mới về nước, cátxê cho một nghệ sỹ solist chỉ từ 1-2 triệu đồng/đêm, thậm chí còn chỉ được vài trăm ngàn, hay cùng lắm là 3 triệu đồng, nhưng giờ, bạn thấy đấy, nó đã lên đến 10-20 triệu đồng.
Tôi luôn nói với các cộng sự của mình rằng: Hoặc không làm, hoặc đã làm thì phải cố hết sức mà làm cho tốt, tốt nhất có thể. Trong bất cứ thị trường nào, điều kiện tiên quyết vẫn phải là trình độ và thái độ làm nghề chuyên nghiệp, trình độ nào phân khúc đó, không thể “cá mè một lứa” được. Đó là cách tốt nhất để được quyền tự tạo ra luật chơi và sự công bằng.
Đau khổ lớn và niềm vui nho nhỏ
- 8 năm sau khi về nước, Bùi Công Duy lại được “nước Nga gọi lại” để ngồi ghế giám khảo cuộc thi Tchaikovsky trẻ lần thứ 8 (2014). Trở lại chính nơi 17 năm trước từng xướng tên, anh bồi hồi và hối tiếc không?
Bùi Công Duy: Tôi chỉ thấy “đau khổ” khi nhận ra, khoảng cách âm nhạc cổ điển Việt Nam và thế giới lại cách xa cả bước dài. Ở nước ngoái, nếu như lúc trước, một em thí sinh độ 16 tuổi mới có thể đánh được đến trình độ đấy thì giờ, chỉ cần một em 12 tuổi.
Tài năng trưởng thành nhanh hơn, sớm hơn nhờ có được môi trường thuận lợi hơn, họ được đầu tư mạnh hơn, được học nhiều thầy giỏi hơn, được tiếp xúc rộng hơn, cọ xát nhiều hơn… Trong khi đó, cái đỉnh cao nhất mà học sinh Việt Nam đạt được mới chỉ dừng lại ở những cuộc thi tầm trung của khu vực Đông Nam Á, thậm chí còn chưa ra đến ASEAN. Nói gì đến một cuộc thi tầm cỡ như Tchaikovsky…
- Tôi tưởng, mùa Xuân này, Bùi Công Duy đã có “niềm vui nho nhỏ” khi học trò Trần Lê Quang Tiến, dưới sự kèm cặp của anh đã bất ngờ giành giải Nhất cuộc thi VI International Violin Competition Kazakhstan, bảng Junior (dành cho thí sinh từ 10 – 17 tuổi) - cuộc thi uy tín châu Âu được tổ chức hàng năm tại thủ đô Kazakhstan? Một thành tích gây kinh ngạc, bởi kể từ sau khi Bùi Công Duy đoạt Giải Nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ tại S.Peterbourg năm 1997, phải tới gần 20 năm sau, Việt Nam mới có được một tài năng trẻ được đào tạo trong nước và qua thời gian ngắn ngủi…
Bùi Công Duy: Tiến là một “ca” đặc biệt. Đặc biệt ở cá tính. Tiến là một cậu bé được sinh ra trong một gia đình có truyền thống “văn võ song toàn". Cụ ngoại là nhà văn Nguyễn Tuân, ông họ là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm – một trong “tứ trụ của hội họa Việt Nam” và ông nội nguyên là Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng (tên của Tiến cũng chính là được đặt theo bí danh của ông nội hồi còn hoạt động trong thành: Bảy Tiến)
Tiến mang vẻ mặt “ông cụ non," nói ít nhất có thể. Cái được nhất Tiến đã làm được, là em ấy không như các tài năng “con nhà” an phận theo sự bao bọc, sắp đặt của gia đình. Bản thân tôi đã từng đi qua 15 năm khổ luyện ở Nga, đến với âm nhạc bằng sự khổ luyện, luôn phải đối diện với áp lực lớn nhất là sự hy sinh của cả gia đình. Tiến thì khác, em có một lý do để bố mẹ không bao giờ ép.
- 2017, cuộc sống riêng của anh và nghệ sỹ piano Trinh Hương cũng vừa đón nhận một hạnh phúc lớn, Bùi Công Duy cùng lúc gặt hái được thành tựu làm Thầy, vừa lên chức Bố. Quả là một năm song hỉ?
Bùi Công Duy: Xin cảm ơn bạn. Tôi luôn quan niệm, hạnh phúc và thành công chẳng bao giờ đến dễ dàng, nhất là với người làm nghệ thuật. Cứ làm hết mình, hết sức, hết thiện tâm, mọi cánh cửa sẽ mở ra./.