'Nghệ thuật làm bánh Pizza Napoli' là di sản văn hóa phi vật thể

Ngày 7/12, "Nghệ thuật làm bánh Pizza Napoli," thành phố miền Nam nước này đã được UNESCO chọn là di sản văn hóa phi vật thể cùng nhiều di sản độc đáo khác.
'Nghệ thuật làm bánh Pizza Napoli' là di sản văn hóa phi vật thể ảnh 1(Nguồn: AFP)

Nhắc đến ẩm thực Italy, không ít người nghĩ tới Pizza. Ngày 7/12, "Nghệ thuật làm bánh Pizza Napoli," thành phố miền Nam nước này đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) chọn là di sản văn hóa phi vật thể cùng nhiều di sản độc đáo khác.

Quyết định trên được công bố tại cuộc họp của ủy ban di sản UNESCO tổ chức trên đảo Jeju, Hàn Quốc.

Pizza Napoli có một lớp vỏ mỏng được nướng bằng củi với 2 loại bánh truyền thống Marinara (cà chua, tỏi, rau oregano và dầu) và Margherita (cà chua, pho mát mozzarella, dầu húng quế).

Pizza Margherita được một đầu bếp địa phương chế biến từ năm 1889 để vinh danh Nữ hoàng Margherita khi bà đến thăm thành phố Napoli. Do đó, loại bánh này có 3 màu xanh, trắng, đỏ tượng trưng cho lá cờ Italy.

Cho đến nay, pizza không chỉ là một món ăn quen thuộc của người dân Italy, mà còn trở thành một “đại sứ văn hóa của Italy” ở khắp nơi trên thế giới.

[Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ chính thức trở thành di sản thế giới]

Cũng trong cuộc họp của UNESCO tại đảo Jeju, nghệ thuật vẽ tranh tường của phụ nữ Saudi Arbia đã lọt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể. Nghệ thuật truyền thống này góp phần nâng cao tình đoàn kết của phái đẹp, song đang dần mai một theo thời gian và cần được bảo tồn.

Trong khi đó, Bangladesh được vinh danh khi hồ sơ đề cử nghề dệt thủ công tinh xảo Shital Pati được công nhận là một trong số các di sản văn hóa phi vật thể mới.

Nghề dệt này đặc biệt ở chỗ các nghệ nhân sử dụng những sợi mây màu xanh để tạo ra những chiếc thảm và khăn trải giường độc đáo. Tại kỳ họp này, “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

UNESCO lần đầu tiên bình chọn các Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2003 nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Ngoài ra, tổ chức này cũng hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho nhiều quốc gia để bảo tồn các truyền thống vốn quý của mình.

Tính đến thời điểm hiện tại, trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể do UNESCO bình chọn đã có hơn 350 loại hình nghệ thuật, ngành nghề truyền thống, từ điệu nhảy flamenco sôi động của Tây Ban Nha, cho tới kỹ thuật nhuộm vải kiểu batik của Indonesia và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục