Nghẹn ngào ký ức phóng viên ảnh duy nhất trong đêm Thành cổ rực lửa

“Trên nền một Thành cổ đổ nát là nụ cười tươi rói, lạc quan của chiến sỹ giải phóng quân. Tinh thần ấy là một trong những nhân tố quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân 1975,” ông Đoàn Công Tính kể
Nghẹn ngào ký ức phóng viên ảnh duy nhất trong đêm Thành cổ rực lửa ảnh 1Bức ảnh "Nụ cười Thành cổ" thể hiện sự lạc quan của các chiến sỹ giữa chiến trận ác liệt. (Ảnh: Đoàn Công Tính)

Trong veo - đó là ấn tượng của nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính (nguyên phóng viên chiến trường của Báo Quân đội Nhân dân) về những chiến sỹ quyết tâm bám trụ Thành cổ Quảng Trị những ngày khói lửa rợp trời đối phương tung lực lượng nhằm tái chiếm vùng đất này năm 1972.

“Trên nền một Thành cổ đổ nát là nụ cười tươi rói, lạc quan của chiến sỹ giải phóng quân. Tinh thần ấy là một trong những nhân tố quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,” ông Tính nghẹn giọng.

Nụ cười trên đống đổ nát

Quảng Trị những ngày đầu năm 1972, chiến tranh ngày càng trở nên ác liệt hơn. 

Từ tháng Bảy năm ấy, với mục tiêu biến Quảng Trị thành “quân cờ” nhằm thay đổi cục diện tại bàn ngoại giao sắp diễn ra tại Paris, địch điên cuồng tìm mọi cách tái chiếm. Chúng dùng nhiều loại bom, pháo và xe tăng bắn phá dữ dội vào trận địa bất kể ngày đêm.

“Địch muốn phá hủy Thành cổ tới mức không còn một viên gạch nguyên vẹn. Không chỉ thả từng chuỗi bom dù, phá hỏng hầm hào, chúng còn liên tục thả chất độc hóa học ở khu vực này. Từ bờ sông Thạch Hãn nhìn sang, Thành cổ bị bao trùm bởi một thứ khói vàng. Có những lúc, đạn pháo của địch bắn vào thành sáng cả một góc trời, mặt đất rung chuyển vì những đợt pháo kích,” cựu phóng viên chiến trường nhớ lại.

Hơn bốn thập kỷ đã trôi qua nhưng những ngày đêm ấy vẫn mãi là ký ức hào hùng không thể nào quên với ông.

Lòng như lửa đốt, nhà báo Đoàn Công Tính quyết tâm vào Thành cổ. Thế nhưng, khi tìm gặp sỹ quan chỉ huy, anh phóng viên ảnh chỉ nhận được cái lắc đầu và lời khuyên: đường vào Thành đầy hiểm nguy, phóng viên không nên vào…

“Lúc ấy, càng có nhiều người khuyên ở lại thì lại càng như có gì đó thôi thúc tôi phải vào nơi ấy. Trước đó, tôi đã ghi lại được hình ảnh giải phóng quân phá hủy hàng rào điện tử McNamara, cắm cờ chiến thắng ở căn cứ Đầu Mầu thì giờ đây, không có lý gì, tôi lại không có mặt để chụp lại hình ảnh chiến sỹ ta kiên cường bám trụ ‘một tấc không đi, một ly không dời,’ quyết tâm bảo vệ Thành,” nói rồi, đôi bàn tay ông nắm chặt, đầy quả quyết.

Trước sự “ngang ngạnh, cố chấp” ấy, hai o du kích đã dẫn đường cho anh phóng viên trẻ vượt dòng Thạnh Hãn trong đêm 15/8/1972 cùng một đại đội mới từ Bắc vào bổ sung cho chiến trường, mặt sông sáng rực ánh hỏa châu.

“Số phận may mắn đã cho tôi trở thành phóng viên ảnh duy nhất có mặt ở Thành cổ trong những ngày khói lửa bom đạn ngút trời ấy,” ông trầm ngâm.

Theo lời kể của cựu phóng viên này, Thành cổ Quảng Trị những ngày mới giải phóng (đầu năm 1972), dinh tỉnh trưởng còn vẹn nguyên. Vậy mà đến ngày 16/8, sau những trận pháo kích, rải bom của địch, tất cả đều tan hoang, chỉ còn những chóp gạch ngổn ngang.

“Không gian mờ bụi, mùi khói súng khét lẹt. Tất cả đã đổi khác, chỉ còn nụ cười và ánh mắt sáng niềm tin, tinh thần lạc quan của các chiến sỹ giải phóng quân là vẫn như vậy,” ông Tính kể.

Nghẹn ngào ký ức phóng viên ảnh duy nhất trong đêm Thành cổ rực lửa ảnh 2Cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính (trái). (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Ký ức hiện về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt người phóng viên chiến trường năm xưa. Trên nền đổ nát của Thành cổ Quảng Trị ngày 16/8/1972, khi ông giơ máy ảnh lên, các chiến sỹ cười rất rạng rỡ.

Sau gần nửa thế kỷ, nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính vẫn nhớ như in câu nói của người sỹ giải phóng quân khi ấy: “Có thể ngày mai đây một số anh em chúng tôi không còn nữa nhưng Thành Cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của đất nước.”

Di chúc của phóng viên ảnh

Không chỉ chụp được “Nụ cười Thành cổ,” cựu phóng viên Đoàn Công Tính còn ghi lại được hình ảnh “Nắng dưới lòng đất,” “Trận đánh trước Thành cổ”... phản ánh hiện thực khốc liệt và trận chiến đấu hào hùng tại nơi này.

Sau đó, những bức ảnh này ngay lập tức được đăng trên các mặt báo ở Hà Nội, được chuyển qua Hội nghị Paris để vạch trần luận điểm của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tung tin đã tái chiếm được Thành cổ Quảng Trị.

“Chụp được những bức ảnh ấy là việc không hề dễ dàng, và việc đưa được những cuốn phim ấy về tòa soạn cũng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng,” ông Tính chia sẻ.

Nói tới đây, người phóng viên năm xưa bỗng lặng đi chừng vài phút. Để đề phòng bất trắc, ông đã ghi chú thích ảnh vào những mẩu giấy nhỏ, bỏ vào từng hộp phim. Cùng với đó, ông ghi dòng chữ: “Đây là ảnh chiến sự chụp ở mặt trận. Nếu tôi hy sinh, xin chuyển gấp về tòa soạn ở địa chỉ: số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội.”

“Tôi buộc những cuốn phim quanh người và coi những dòng chữ ấy là di chúc của chính mình. Đời phóng viên chiến trường, chụp được những bức ảnh như vậy rồi hy sinh cũng không có gì đáng phải hối tiếc,” đôi mắt ông bỗng nhòe đi.

Nghẹn ngào ký ức phóng viên ảnh duy nhất trong đêm Thành cổ rực lửa ảnh 3Bức ảnh "Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu." (Ảnh: Đoàn Công Tính0

Tới lúc này, sau hơn 40 năm, kể lại câu chuyện khó tin ấy cho người khách trẻ, ông chỉ cười và bảo: “Ngày ấy, nếu sợ cái chết thì chúng tôi đã không xung phong vào miền đất lửa. Còn khi đã khoác ba lô lên vai, nỗi sợ đã chuyển thành sự quyết tâm góp một phần vào cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc.”./.

Cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính sinh năm 1943. 

Ông nhập ngũ tháng 9/1962 và công tác tại Báo Quân đội Nhân dân từ năm 1969 với vai trò phóng viên chiến trường.

Nhiều tác phẩm của Đoàn Công Tính đã đạt được giải thưởng ảnh có giá trị cả trong nước và quốc tế: tác phẩm “Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu” - Giải thưởng lớn, Huy chương Vàng tổ chức quốc tế nhà báo OIJ; tác phẩm “Trên đồi không tên” - Giải nhất Hội Nhà báo Việt Nam năm 1973; chùm ảnh “Khoảnh khắc” - giải thưởng ảnh Châu Á Sagamihara…

Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục