Nghị định 28/2022: Tác động tích cực tới vùng dân tộc thiểu số

Đến ngày 30/6/2023, theo Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 7,4% so năm 2022; trong đó vốn vay vùng đồng bào dân tộc theo Nghị định 28 đạt hơn 1.500 tỷ đồng.
Nghị định 28/2022: Tác động tích cực tới vùng dân tộc thiểu số ảnh 1Hỗ trợ đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên về kỹ thuật canh tác càphê bền vững. (Ảnh: Hưng Thịnh/Vietnam+)

Sau hơn một năm đi vào cuộc sống, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội Vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021-2030 đã có những tác động tích cực mạnh mẽ tới các đối tượng được thụ hưởng.

Việt Nam có 54 dân tộc, bên cạnh dân tộc Kinh chiếm đa số là 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người (hơn 14% dân số cả nước).

Các dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở vùng núi với địa hình phức tạp, độ dốc cao, quỹ đất nông nghiệp, đất ở eo hẹp và đây là một phần nguyên nhân dẫn tới đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn.

Năm 2022, ngân sách nhà nước dành hơn 23.000 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo về phát triển sản xuất, tạo việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, nhà ở.

Hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo ngày càng được hoàn thiện hơn trước. Hạ tầng kinh tế-xã hội ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn không ngừng được tăng cường, khoảng cách mức sống giữa các vùng được thu hẹp dần.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, trong năm 2022, với việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm hơn 3%; đời sống của người dân cơ bản ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm.

[Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số]

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mặc dù đã giảm nhanh, nhưng tỷ trọng vẫn cao, thu nhập bình quân của đồng bào chỉ bằng 2/5 mức bình quân chung cả nước. “Lõi nghèo” của cả nước đang tập trung ở vùng dân tộc thiểu số.

Vấn đề đáng quan tâm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là thiếu đất sản xuất. Diện tích đất trồng trọt, chăn nuôi vốn đã hạn chế, thì nay việc gia tăng dân số đã tạo nên áp lực lớn hơn nếu đồng bào vẫn giữ lối canh tác truyền thống.

Sự phát triển xã hội theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, nông nghiệp hàng hóa, kéo theo sự bùng nổ các dự án khai khoáng, năng lượng, phát triển giao thông, đô thị, tập trung đất đai trồng cây nguyên liệu, cây nông nghiệp hàng hóa cũng tạo nên sức ép đối với quỹ đất.

Hiện tại, vẫn còn khoảng 10.000 hộ dân tộc thiểu số di cư tự phát chưa được sắp xếp ổn định, hơn 58.000 hộ thiếu đất ở, hơn 460.000 gia đình cần được hỗ trợ nhà ở; hơn 300.000 hộ thiếu đất sản xuất.

Nhằm tạo điều kiện để vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dần dần tiến kịp miền xuôi, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội Vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

Phạm vi của Chương trình là địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối tượng của Chương trình là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Mục tiêu của Chương trình là đến năm 2025 phấn đấu để mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm hơn 3%; phấn đấu có 50% số xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa.

Nghị định 28/2022: Tác động tích cực tới vùng dân tộc thiểu số ảnh 2Đồng bào dân tộc được hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.. (Ảnh: CTV)

Nghị định 28/2022/NĐ-CP ra đời là để hiện thực hóa Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội Vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nghị định có ý nghĩa thiết thực và nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chính sách tín dụng ưu đãi được người dân phấn khởi đón nhận với hy vọng nguồn vốn vay lãi suất thấp và thời hạn dài sẽ giúp họ sớm cải thiện điều kiện về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề.

Nghị định 28/2022/NĐ-CP quy định cụ thể đối với từng mục đích vay, bao gồm cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; hỗ trợ cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Ngân hàng Chính sách Xã hội có trách nhiệm giải ngân nhanh nguồn vốn vay đúng đối tượng, đủ điều kiện, rõ ràng, công khai, minh bạch.

Ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện Nghị định trong giai đoạn 2021-2025 theo cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý khi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn theo quy định.

Thời hạn nguồn vốn vay hỗ trợ đất ở tối đa là 15 năm, trong 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc. Lãi suất cho vay bằng 3%/năm.

Thời hạn nguồn vốn vay hỗ trợ nhà ở tối đa là 15 năm, trong 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc. Lãi suất cho vay bằng 3%/năm.

Thời hạn vốn vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề tối đa là 10 năm, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ.

Nghị định sớm đi vào cuộc sống

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và thấy rõ tính chất thiết thực của Nghị định 28/2022/NĐ-CP, nhiều địa phương đã tích cực triển khai thực hiện.

Là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum có tổng diện tích gần 10.000 km2, được chia ra 9 huyện, một thành phố với 102 xã, phường, thị trấn, trong đó có 92 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 13 xã biên giới và 3 huyện nghèo.

Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54,93% dân cư toàn tỉnh. Đến năm 2023, tỉnh vẫn còn 15.943 hộ nghèo, tương đương 10,86% tổng số hộ dân, trong đó có 15.215 hộ nghèo thuộc các dân tộc thiểu số, chiếm 95,43% tổng số hộ nghèo.

Để các hộ nghèo, cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Văn bản số 2645/UBND-KTTH ngày 15/8/2022.

Cơ quan chức năng có trách nhiệm nhanh chóng rà soát kỹ lưỡng và phê duyệt danh sách các đối tượng được vay vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề.

Đến đầu năm 2023, doanh số cho vay ở Kon Tum đạt gần 71 tỷ đồng, với 1.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận nguồn vốn. Trong số đó, vốn cho vay hỗ trợ đất ở là 3 tỷ đồng, vốn cho vay hỗ trợ nhà ở là hơn 48 tỷ đồng, vốn cho vay hỗ trợ đất sản xuất gần là 6 tỷ đồng, vốn cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề là hơn 13 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đánh giá, Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ chính là phao cứu sinh để đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, làm nhà ở, vươn lên thoát nghèo.

Ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, tỉnh Lai Châu xác định việc giải ngân theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của địa phương nhằm đẩy nhanh mục tiêu thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Nậm Nhùn là huyện nghèo của tỉnh nghèo Lai Châu. Đây là nơi cư trú của 11 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, đông nhất là dân tộc Mông chiếm 39,6%.

Ngay sau khi Nghị định 28/2022/NĐ-CP có hiệu lực, Phòng Giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Nhùn đã tích cực phối hợp với chính quyền các cấp để rà soát, tổng hợp và phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng.

Tính đến đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có 213 hộ dân tộc thiểu số được vay vốn theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP với số tiền gần 19 tỷ đồng.

Tại miền Tây Nam Bộ, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ, kịp thời chính sách tín dụng nhằm thực hiện chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến đầu năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Sóc Trăng đã cung cấp vốn để giải quyết vấn đề đất sản xuất, đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề cho hơn 51.000 lượt hộ, gồm hơn 13.000 hộ dân tộc thiểu số, 2.800 lượt hộ nghèo (gần 1.000 hộ dân tộc thiểu số), gần 9.000 lượt hộ cận nghèo (hơn 2.000 hộ dân tộc thiểu số)… Việc cho vay được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, đúng đối tượng, đúng mục đích.

Ở quy mô toàn quốc, tính đến đầu năm 2023 dư nợ cho vay tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt hơn 101.000 tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với trên 2,1 triệu khách hàng còn dư nợ.

Dư nợ bình quân của một hộ dân tộc thiểu số đạt trên 49 triệu đồng trong khi dư nợ bình quân chung là 43,2 triệu đồng.

Đến ngày 30/6/2023, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2022; trong đó nguồn vốn vay thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội Vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP đạt hơn 1.500 tỷ đồng.

Tổng số tiền cho vay theo chính sách ưu đãi càng lớn thì càng có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ hội ổn định sản xuất, nâng cao đời sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục