Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi với các thành viên Chính phủ tại phiên chất vấn sáng 6/6 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV) là việc quản lý các cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng.
“Không có chuyện kinh doanh chùa”
Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc có hiện tượng “kinh doanh chùa” hay không, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định: “Báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ chỉ rõ, đến nay, không có cán bộ, công chức, viên chức nào góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua, có một số cá nhân lợi dụng các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự, niềm tin của nhân dân để thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính, gây bức xúc trong xã hội.”
Trao đổi kỹ hơn về vấn đề này, ông Lê Vĩnh Tân cho biết, trong thời gian qua, việc xây dựng chùa tại Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 56 của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng do nhân dân và một số tổ chức, tập thể cùng tự nguyện đóng góp để xây dựng, nhưng không nhằm mục đích kinh doanh.
[Họp Quốc hội: Cần công khai, minh bạch tiền thu, chi công đức]
Có cùng quan điểm trên, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Phó chủ tịch Hội động trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam) nhấn mạnh: “Tôi khẳng định, không có bất cứ ngôi chùa nào có sự góp vốn, đầu tư xây dựng của các cá nhân, tập thể nhằm mục đích kinh doanh như một số đại biểu Quốc hội đề cập tới với những từ ngữ, khái niệm rất mới, nặng nề như ‘chùa BOT’.”
“Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, một tu sĩ Phật giáo trên cương vị là Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi xin trân trọng báo cáo trước Quốc hội và cử tri cả nước rằng tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo các địa phương cùng nhân dân xây dựng và quản lý. Không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này,” Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.
Liên quan đến các hành vi “lệch chuẩn,” biến tướng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để thực hành mê tín dị đoan (như dâng sao giải hạn, thỉnh vong…), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, đây chỉ là “số ít” và là “con sâu bỏ rầu nồi canh.”
“Giáo hội Phật giáo luôn phát huy tinh thần yêu nước, đạo pháp, dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Các hiện tượng sai lệch đều bị xử lý nghiêm. Tôi khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho bất cứ người tu hành, đặc biệt là với các chức sắc vi phạm đạo đức, giáo luật,” Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.
Tranh luận mức xử phạt với vụ việc tại chùa Ba Vàng
Liên quan trực tiếp đến mức xử phạt 5 triệu đồng đối với bà Phạm Thị Yến liên quan đến vụ việc “thỉnh oan gia trái chủ” tại Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mức phạt này không đủ sức răn đe. Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) cho rằng, hành vi của bà Yến có dấu hiệu vi phạm hình sự, cần khởi tố.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, từ ngày 20-28/3, các cơ quan bộ, ngành, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều văn bản xác minh và báo cáo Thủ tướng.
“Từ kết quả xác minh, các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan đã có những hình thức xử phạt thống nhất theo quy định pháp luật và giới luật của Phật giáo. Sau khi giải quyết, dư luận đã lắng xuống, đa số đồng tình xử lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh,” Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, để khắc phục tình trạng, hiện tượng trên, đơn vị này đang triển khai một số giải pháp như đề xuất Chính phủ ban hành các nghị định tăng cường quản lý các hoạt động cơ sở tôn giáo, tâm linh (trong đó có những quy định cụ thể về xử phạt vi phạm); tăng cường tuyên truyền người dân, cũng như giáo dục công tác quản lý nhà nước về vấn đề tôn giáo…
Cũng trả lời về vấn đề này, trong phiên chất vấn chiều 5/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng là việc làm vừa vi phạm luật pháp vừa ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, văn hóa cần lên án và xử lý. Về việc xử lý, chính quyền địa phương, Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Phạm Thị Yến với mức phạt là 5 triệu đồng. Đây là mức phạt cao nhất trong Nghị định 158/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, vấn đề phạt tiền là một phần, một giải pháp (tuy nhiên, cần tăng nặng mức phạt) để khắc phục tình trạng trên.
“Cùng với việc xử phạt, chúng ta phải tăng cường lên án, phê phán hành vi phản văn hóa, phi đạo đức. Tôi cho rằng, việc kết hợp cả hai biện pháp (xử phạt và tuyên truyền, nâng cao nhận thức thì hiệu quả sẽ tốt hơn,” Bộ trưởng cho biết.
Cũng liên quna đến việc quản lý các cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ sở tôn giáo chưa tốt.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận, hiện nay, công tác phối hợp để phòng, chống các hoạt động mê tín dị đoan giữa các bộ, ngành và địa phương chưa hiệu quả. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm quản lý các di tích. Trong khi đó, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng thuộc về Bộ Nội vụ.
“Thời gian tới, các cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương phải tăng cường phối hợp khi quản lý các hoạt động liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng và cơ sở thờ tự,” ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Tại phiên chất vấn sáng 6/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Mê tín dị đoan bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết nên một việc vô cùng quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức văn hóa, nâng cao dân trí để người dân hiểu và thực hành đúng”./.