Nghị viện Bỉ và EU đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Việt Nam

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị EP ủng hộ tăng cường quan hệ Đối tác và Hợp tác Toàn diện giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên trên tất cả các lĩnh vực.

Quang cảnh hội đàm giữa Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ Andries Gryfloy. (Ảnh : Hương Giang/TTXVN)
Quang cảnh hội đàm giữa Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ Andries Gryfloy. (Ảnh : Hương Giang/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Bỉ và Nghị viện châu Âu (EP), ngày 16/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã hội kiến, hội đàm với các nhà lãnh đạo Quốc hội Bỉ và EP.

Tại cuộc hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose và Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Bỉ Eliane Tillieux, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng được gặp Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Bỉ trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi hai nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Đây cũng là thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với hai nước, mở ra thời kỳ phát triển mới trong quan hệ song phương.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời cảm ơn chân thành nhất về việc Hạ viện Bỉ đã thảo luận và thông qua Nghị quyết kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tháng 10 vừa qua.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao Thư cảm ơn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Bỉ về việc thông qua Nghị quyết nêu trên.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đồng thời bày tỏ mong muốn Bỉ và Việt Nam sẽ có nhiều hợp tác hơn nữa để thúc đẩy nội dung này, góp phần xử lý hậu quả nặng nề từ chất độc da cam, qua đó làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-Bỉ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Bỉ - thành viên quan trọng trong EU, và mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với Bỉ trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước đã hợp tác hiệu quả trong các diễn đàn đa phương và quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Pháp ngữ, khuôn khổ ASEAN-EU, ASEM…

Việt Nam tin tưởng sẽ cùng Bỉ đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền theo hướng nâng cao hiệu quả, minh bạch, khách quan, cân bằng trên tinh thần đối thoại, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; Đề nghị Bỉ sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) nhằm tạo động lực thúc đẩy quan hệ đầu tư trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Bỉ đầu tư kinh doanh ở Việt Nam nhất là các dự án công nghệ cao Bỉ đang thúc đẩy với Việt Nam.

Nhân chuyến thăm Việt Nam mới đây của Chủ tịch Thượng viện Bỉ, Nghị viện Bỉ và Quốc hội Việt Nam đã ký kết Ý định thư về hợp tác nghị viện. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Nghị viện Bỉ để triển khai thực hiện Ý định thư hợp tác này và mong muốn Nghị viện Bỉ và Quốc hội Việt Nam sớm ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Liên bang Bỉ góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác hai nước, đồng thời tạo xung lực cho các hoạt động hợp tác nghị viện ngày càng hiệu quả, thiết thực.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng trân trọng chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Bỉ thăm lại Việt Nam vào thời gian sớm nhất.

Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose chào mừng Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác sang thăm, làm việc tại Bỉ. Bà Stéphanie D'Hose nhấn mạnh năm 2023 hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đây là nền tảng quan trọng để hai nước tiếp tục phát triển quan hệ trong tương lai.

Đánh giá cao sự phát triển ấn tượng của Việt Nam, vai trò của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, trong đó có vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D'Hose cho rằng chuyến thăm lần này của Đoàn tới Bỉ sẽ góp phần tăng cường đối thoại để mối quan hệ nghị viện và hai nước ngày càng phát triển hơn.

Bà Stéphanie D'Hose cho biết Hạ viện Bỉ vừa qua đã thông qua Nghị quyết ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và Nghị viện sẽ nỗ lực hết sức để triển khai hiệu quả Nghị quyết này.

Đồng tình với Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Bỉ Eliane Tillieux cũng khẳng định năm 2023 có ý nghĩa quan trọng với cả hai nước, với cộng đồng người Việt ở Bỉ. Thời gian qua, Nghị viện hai nước đã có mối quan hệ tốt đẹp, có những đóng góp đối với quan hệ hai nước.

Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước với các hoạt động hết sức tích cực của các thành viên đã phát huy vai trò cầu nối tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp và hai nước Việt Nam-Bỉ.

ttxvn_tran thanh man bi 2.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ Andries Gryfloy. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Theo Chủ tịch Hạ viện Bỉ Eliane Tillieux, Chính phủ Bỉ cũng rất quan tâm tới việc phát triển quan hệ kinh tế với Việt Nam, mong muốn thúc đẩy hơn nữa đầu tư hợp tác để tương xứng với tiềm năng của hai bên.

Bà Eliane Tillieux cũng cho biết hai bên phối hợp tích cực các hoạt động trong Cộng đồng Pháp ngữ. Vùng Wallonie đã lựa chọn Việt Nam là nước duy nhất tại châu Á để thành lập phái đoàn và đã viện trợ nhiều dự án thiết thực cho Việt Nam trong hơn 25 năm qua, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Chủ tịch Hạ viện Bỉ Eliane Tillieux cũng đồng thời cho biết việc Hạ viện Bỉ đã thảo luận và thông qua Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là hành động cụ thể, thiết thực thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của Bỉ đối với Việt Nam.

Bà Eliane Tillieux cũng đánh giá cao việc có các thành viên nữ trong Đoàn công tác, điều này góp phần tăng cường sự bình đẳng và vai trò của nữ giới tham gia chính trị.

Hội đàm với Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ Andries Gryfloy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc Nghị viện hai vùng Flanders và Wallonie đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) và đề nghị Bỉ sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định này nhằm tạo động lực thúc đẩy quan hệ đầu tư trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Bỉ và Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Bỉ kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, tính đến quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị của EC về phát triển nghề cá bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh hai nước đã hợp tác thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược về Nông nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Việt nam rất mong Bỉ tiếp tục hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh và triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030 hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời hai bên nghiên cứu thiết lập cơ chế hợp tác ba bên giữa Việt Nam, Bỉ và một đối tác châu Phi với sự hỗ trợ về tài chính và hậu cần của Bỉ, nhằm cùng ứng phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết hiện cộng đồng người Việt Nam ở Bỉ có khoảng 13.000 người đang sinh sống, làm việc và học tập, đóng vai trò cầu nối hữu nghị quan trọng, giúp thúc đẩy hợp tác nhiều mặt và giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Trân trọng cảm ơn và đề nghị Bỉ tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ ổn định cuộc sống, hội nhập thành công vào xã hội sở tại, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước.

Về phần mình, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ Andries Gryfloy đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam trong thời gian qua nói chung và quan hệ giữa Quốc hội hai nước nói riêng.

Ông Gryfloy cho rằng mối quan hệ giữa hai nước cần phát triển trên nhiều lĩnh vực, ngoại giao, quốc hội, giáo dục, thương mại, kinh tế… để các lĩnh vực bổ trợ cho nhau. Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại,

Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ đề nghị phía Việt Nam xem xét miễn thị thực cho các nhà đầu tư Bỉ, mở đường bay thẳng từ Brussels đến Việt Nam để thuận lợi cho việc thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu của hai bên.

Theo ông Gryfloy, cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ hội nhập tốt và có nhiều đóng góp cho nước sở tại. Với tư cách là Chủ tịch Liên minh Bỉ-Việt (BVA), ông Gryfloy khẳng định luôn làm hết sức mình để góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa Bỉ và Việt Nam.

Làm việc với Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) bà Heidi Hautala, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam-EU nói chung, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Châu Âu (EP) nói riêng đang phát triển rất tích cực.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác và Hợp tác Toàn diện Việt Nam-EU trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị EP ủng hộ tăng cường quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên trên tất cả các lĩnh vực, trong đó ưu tiên triển khai hiệu quả các khuôn khổ hợp tác/đối thoại hiện có, trong đó có kênh hợp tác liên nghị viện.

Thúc đẩy nghị viện các nước EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA để Hiệp định sớm có hiệu lực và được thực thi hiệu quả, bảo hộ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp hai bên; thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU, góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân Việt Nam và nguồn cung cho thị trường EU; Ủng hộ tăng cường hợp tác Việt Nam-EU trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu.

ttxvn_Tran thanh man bi 3.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Nghị sỹ Liên bang André Flahaut và Nhóm Nghị sỹ bảo trợ Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị EP thúc đẩy EU và các nước thành viên tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng trao đổi về các vấn đề bà Phó Chủ tịch EP quan tâm, trong đó có các chính sách của Việt Nam về phòng chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long, chính sách chống phá rừng.

Nhân dịp này Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng mời Phó Chủ tịch EP thăm lại Việt Nam vào thời gian phù hợp, đồng thời chuyển lời thăm hỏi và nhắc lại lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola sớm sang thăm Việt Nam.

Về phần mình, Phó Chủ tịch EP cho biết đã đến Việt Nam trên cương vị Bộ trưởng Hợp tác quốc tế của Phần Lan năm 2012 và Phó Chủ tịch EP năm 2019. Bà Heidi Hautala bày tỏ rất ấn tượng về sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam và đánh giá cao những chính sách phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt là trong ứng phó với những thách thức của khủng hoảng y tế trong đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch EP đánh giá hai bên là đối tác quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu, đã tích cực triển khai Hiệp định EVFTA góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, trong đó có những ưu tiên trong lĩnh vực dệt may và da giày. Bà Heidi Hautala cũng thông tin về các dự án mới của EU như: “Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu” là sáng kiến được EU nhằm huy động tài chính cho các dự án đầu tư phát triển, kết nối cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề toàn cầu; Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) góp phần xây dựng các chính sách và giải pháp hỗ trợ nền kinh tế xanh và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Bà cho biết EU sẽ sớm thông qua dự luật Thẩm định trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thúc đẩy các doanh nghiệp có trách nhiệm trong kinh doanh, áp dụng việc tuân thủ các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tôn trọng quyền của người lao động sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nước, trong đó có Việt Nam. Được giao phụ trách các vấn đề liên quan tới Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU, bà Heidi Hautala rất quan tâm tới việc triển khai hiệp định và công tác phòng chống phá rừng của Việt Nam.

Qua chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn về những chính sách quyết liệt ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, đồng thời góp phần thực hiện cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết tại COP26, Quốc hội Việt Nam cũng rất quan tâm và thường xuyên triển khai các nội dung giám sát, chất vấn để thúc đẩy vấn đề này, bà Heidi Hautala đánh giá cao và khẳng định đây là hướng đi đúng đắn của Việt Nam.

Về IUU, bà hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam và hy vọng rằng EC sẽ sớm dỡ bỏ thẻ vàng đối với Việt Nam. Về EVIPA, đã có 17/27 nước phê chuẩn, chiếm số đông, tuy nhiên cần tất cả các nước phê chuẩn để Hiệp định được thực thi, bà cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy và tin tưởng rằng Hiệp định sẽ sớm được phê chuẩn.

ttxvn_tran thanh man 4.jpg
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch EP Heidi Hautala. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Gặp gỡ nghị sỹ liên bang André Flahaut và nhóm nghị sỹ bảo trợ Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ sự trân trọng tình cảm và sự đóng góp cũng như những nỗ lực to lớn của nghị sỹ André Flahaut cùng các nghị sỹ, tổ chức, cá nhân Bỉ và bạn bè quốc tế đã ủng hộ và hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Nhấn mạnh Nghị quyết càng có ý nghĩa hơn nữa khi hai nước Việt Nam-Bỉ đã và đang triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ mong muốn Bỉ và Việt Nam sẽ có nhiều hợp tác hơn nữa để thúc đẩy nội dung này, góp phần xử lý hậu quả nặng nề từ chất độc da cam, qua đó làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam-Bỉ.

Nghị sỹ André Flahaut bày tỏ tình cảm sâu sắc của mình đối với đất nước Việt Nam, nhấn mạnh hậu quả của chiến tranh vẫn hiện diện tại Việt Nam mà nhân dân Việt Nam đến nay vẫn còn bị ảnh hưởng. Ông mong muốn cộng đồng quốc tế có nhiều hành động thiết thực để hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam, giúp họ có một tương lai tốt đẹp hơn.

Nhân dịp này, nghị sỹ André Flahaut đã trao cho Đoàn công tác Quốc hội Việt Nam 4 xe lăn để tặng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục