Thế nhưng, những ấn phẩm mà nhà toán học này giới thiệu đến độc giả Việt Nam lại không hề… dễ đọc.
[Thúc đẩy say mê toán học với "tiểu thuyết toán hiệp"]
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với giáo sư Ngô Bảo Châu về dự án sách mà giáo sư đang thực hiện.
"Hãy bao dung với dịch giả"
- Thời gian gần đây, công chúng nhắc tới giáo sư không chỉ với tư cách là một nhà toán học mà còn với vai trò của một người giới thiệu sách. Giáo sư có thể chia sẻ thêm về công việc “ngoài toán học” của mình?
GS Ngô Bảo Châu: Khoảng hai năm trở lại đây, tôi và nhà văn Phan Việt có tham gia vào nhóm chủ biên dự án “Tủ sách Cánh cửa mở rộng” (phối hợp cùng Nhà xuất bản Trẻ); nhằm giới thiệu những đầu sách có giá trị của thế giới và trong nước đến với bạn đọc Việt Nam, đặc biệt là bạn đọc trẻ.
Cụ thể, công việc chính của tôi là lựa chọn những đầu sách hay, giới thiệu đến ban biên tập của Nhà xuất bản Trẻ. Sau đó, họ sẽ thực hiện các khâu như mua bản quyền tác phẩm, lựa chọn dịch giả, thẩm định lại bản dịch, phát hành… Cũng có những cuốn, tôi trực tiếp viết lời giới thiệu.
Thực ra, từ nhỏ, tôi rất yêu sách và luôn tò mò muốn biết quá trình làm ra những cuốn sách như thế nào. Đến giờ, tôi đã hiểu và cũng tự rút ra được cho mình nhiều bài học, trải nghiệm thú vị.
- Một trong những bài học, trải nghiệm đó là gì, thưa giáo sư?
GS Ngô Bảo Châu: Tôi hiểu hơn về những khó khăn, áp lực của người làm sách, đặc biệt là của các dịch giả.
Do công việc biên tập, tôi phải đọc lại nhiều cuốn sách và đối chiếu nhiều bản dịch. Từ đó, tôi thấy rằng: Trên thực tế, các dịch giả nước ngoài cũng dịch sai khá nhiều khi tiến hành chuyển ngữ những cuốn sách.
Các bản dịch trước đây và cả những bản dịch ngày nay (với sự hỗ trợ tối đa của máy tính cũng như các thiết bị điện tử, từ điển) đều không tránh khỏi những sai sót. Việc dịch hoàn hảo là điều không thể.
Tất nhiên, chúng ta không chấp nhận sự cẩu thả trong quá trình biên dịch, làm sách nhưng tôi mong độc giả hãy có thái độ bao dung hơn đối với các dịch giả.
- Một cuốn sách hay trong quan niệm của giáo sư là một cuốn sách như thế nào?
GS Ngô Bảo Châu: Mỗi người có quan niệm riêng của mình về sách hay. Với riêng tôi, một cuốn sách hay trước hết phải xuất phát từ trải nghiệm của người viết.
Ngay cả với sách khoa học, tôi nghĩ cũng nên có một câu chuyện, một giọng văn ở trong đó, để cuốn hút người đọc. Đừng nghĩ rằng, cứ là sách khoa học thì viết khô khan mới đảm bảo độ chuẩn xác.
- Những đầu sách mà nhóm chủ biên “Tủ sách Cánh cửa mở rộng” đã giới thiệu (dù thuộc lĩnh vực nào từ văn học, khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên…) đều tương đối “khó đọc” bởi nội dung khá nặng. Giáo sư có e ngại rằng, vì thế mà sách sẽ khó tiếp cận được với độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ?
GS Ngô Bảo Châu: Đúng là những sách mà chúng tôi đã giới thiệu đều tương đối khó đọc. Thế nhưng, chủ ý của tôi khi chọn sách để giới thiệu là chọn những tác phẩm có phần “gai góc,” để khuyến khích mọi người vừa đọc vừa suy ngẫm.
Ví dụ, khi giới thiệu cuốn sách “Alain nói về hạnh phúc,” tôi muốn mọi người cùng suy ngẫm về thái độ của mỗi người đối với hạnh phúc và bất hạnh, cùng phân tích tại sao người ta không biết hạnh phúc với hạnh phúc hiện tại của chính mình và thường tự làm cho sự bất hạnh nhân lên nhiều lần.
Muốn tìm kiếm những giá trị đích thực thì chúng ta phải vất vả bỏ công sức, tâm trí. Có như vậy thì sau khi gấp trang sách lại, chúng ta mới trân trọng những giá trị của nó.
Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, chân lý đích thực thì phải được thử thách qua những khó khăn. Tôi vốn không tin vào những gì lồ lộ, hiển nhiên.
Hiện nay, chúng tôi vẫn thống nhất quan điểm giữ cấu trúc tủ sách gồm: 80% số lượng ấn phẩm là các sách có khả năng tiếp cận đông đảo bạn đọc và 20% còn lại là sách chuyên ngành, nhằm khơi gợi tình yêu và niềm đam mê khám phá khoa học với người đọc.
Cửa mới mở về phương Tây!
- Ở trang bìa thứ tư của mỗi cuốn sách thuộc dự án “Tủ sách cánh cửa mở rộng” đều có in một câu nói của giáo sư: “Trang sách chính là cửa sổ mở sang những cuộc đời khác, những thế giới khác; và cũng là chỗ để ánh sáng mặt trời rọi vào cuộc đời mình.” Câu nói này có ý nghĩa gì, thưa giáo sư?
GS Ngô Bảo Châu: Đối với tôi, đây là một trong những ý nghĩa của việc đọc sách. Con người luôn có khát vọng được trải nghiệm của người khác nhiều hơn, được sống nhiều cuộc đời hơn. Thế nhưng, thực tế, chúng ta không thể làm được như vậy.
Tôi nghĩ rằng, việc đọc sách (đặc biệt là sách văn học), tâm tưởng ta sẽ được thỏa mãn một phần khát vọng này của mình.
- Vậy, cuốn sách văn học nào đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất với giáo sư?
GS Ngô Bảo Châu: Đó chính là tiểu thuyết “Núi thần” của nhà văn người Đức Thomas Mann. Tác phẩm là một trong những tượng đài của văn học thế kỷ 20 đã được cả thế giới công nhận.
Tôi đã đọc đi đọc lại tới vài lần mà không hề thấy chán. Cứ lần nào mở cuốn sách ra là tôi không đóng lại được nữa, bị cuốn đi một cách triền miên.
Tôi yêu thích “Núi thần” không phải vì nó đoạt giải Nobel [“Núi thần” được trao giải Nobel Văn học năm 1929-PV] một câu chuyện cuộc sống gì quá đặc biệt trong đó. Chuyện đơn giản là, năm 18 tuổi, tôi sang Pháp du học. Khi đó, với tôi, mọi thứ đều vô cùng bỡ ngỡ. Tôi phải tự khám phá phong cách sống của con người châu Âu.
Tuy nhiên, có những vấn đề dù đã cố gắng tìm hiểu nhưng tôi cũng không thể nào hiểu được cặn kẽ và có những suy nghĩ, cảm xúc không thể diễn tả được bằng lời. Cho đến một hôm, tôi tìm thấy sự đồng cảm trong cuốn sách của Thomas Mann.
Những suy nghĩ, trăn trở của mình được diễn tả một cách thấu đáo qua giọng văn hài hước những cũng vô cùng sâu sắc của tiểu thuyết gia người Đức này. Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng thú vị!
- Thưa giáo sư, mặc dù tủ sách có tên là “Cánh cửa mở rộng” nhưng có vẻ như, “cánh cửa” mới chỉ “mở” về phương Tây bởi nó hoàn toàn vắng bóng những tác phẩm của các tác giả phương Đông?
GS Ngô Bảo Châu: Đúng vậy! Đây là một thiếu sót của tủ sách cần được khắc phục.
Thực tế, những người trong nhóm chủ biên không thể bao quát được hết các đầu sách có giá trị. Hơn nữa, để có thể giới thiệu đến độc giả một tập sách thì chúng tôi phải đầu tư khá nhiều thời gian đọc, tìm hiểu, thẩm định…
Bởi thế, để cho tủ sách được phong phú và thể hiện đúng ý nghĩa khai sáng của nó, chúng tôi luôn muốn được lắng nghe những ý kiến đóng góp và sự gợi ý về những cuốn sách giá trị của tất cả độc giả.
- Liệu có khi nào giáo sư chuyển hẳn sang lĩnh vực dịch và giới thiệu sách?
GS Ngô Bảo Châu: Tôi cũng hy vọng đến một thời điểm nào đó, tôi sẽ tập trung được vào việc dịch và giới thiệu sách bởi, thực sự đó là một công việc rất thú vị. Thời điểm đó có thể là khi tôi về hưu chăng (cười)!
- Trân trọng cảm ơn giáo sư!