Ngô biến đổi gen đầu tiên được cấp chứng nhận an toàn sinh học

Tính đến nay, giống ngô biến đổi gen MON 89034 là giống ngô đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đã có đủ hai giấy chứng nhận An toàn sinh học và An toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Ngô biến đổi gen đầu tiên được cấp chứng nhận an toàn sinh học ảnh 1Nâng cao thu nhập cho người nông dân nhờ các sản phẩm ngô. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa chính thức ký Quyết định cấp Giấy chứng nhận An toàn sinh học cho sản phẩm ngô biến đổi gen MON 89034 (hay còn gọi là giống ngô biến đổi gen mang sự kiện MON 89034) của công ty trách nhiệm hữu hạn Dekalb Việt Nam, thuộc tập đoàn Monsanto của Hoa Kỳ.

Trước đó, giống ngô biến đổi gen MON 89034 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Như vậy MON 89034 cũng là sản phẩm ngô biến đổi đầu tiên và duy nhất nhận được đầy đủ hai giấy chứng nhận an toàn sinh học và giấy an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tính đến thời điểm này.

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học, mỗi sản phẩm biến đổi gen cần được xem xét và đánh giá rủi ro kỹ lưỡng bởi tổ chuyên gia và phải được chấp thuận bởi Hội đồng an toàn sinh học Quốc gia là an toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học theo đúng trình tự quy định.

Trước khi được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học tại Việt Nam, sự kiện MON 89034 đã được cấp chứng nhận ATSH tại 8 quốc gia trên thế giới, bao gồm: Canada (2008), Hoa Kỳ (2008), Nhật Bản (2008), Brazil (2009), Argentina (2010), Nam Phi (2010), Phillipines (2010) và Honduras (2010).

Mặt khác, ứng dụng cây trồng biến đổi gen đã được chứng minh đem lại hiệu quả kinh tế xã hội môi trường tích cực đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, từ năm 1996 đến 2012, cây trồng biến đổi gen đã đem lại hơn 100 tỷ USD lợi ích kinh tế lũy kế cho toàn cầu và góp phần giảm 503 triệu kilôgam thuốc trừ sâu. 

Trong giấy chứng nhận An toàn sinh học vừa cấp cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Dekalb, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu công ty này thực hiện việc giám sát an toàn sinh học định kỳ 1 năm/lần và báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đặc biệt, khi có thông tin khoa học mới về rủi ro, tác động bất lợi hoặc khi xảy ra sự cố đối với môi trường và đa dạng sinh học thì các đơn vị phải báo cáo ngay với các cơ quan chức năng và có biện pháp khắc phục./.

Giống ngô MON 89034 là sản phẩm biến đổi gen có tác dụng kháng sâu hại bộ cánh vảy, với công nghệ gen cải tiến này giúp cây trồng có thể kiểm soát đồng thời ba loại sâu hại chủ yếu trên cây ngô đó là sâu đục thân ngô (Ostrinia furnacalis), sâu đục bắp (Helicoverpa armigera) và sâu khoang (Spodoptera litura).

Giống ngô biến đổi gen MON 89034 còn giúp tăng cường hiệu quả kiểm soát hơn sự hình thành tính kháng ở côn trùng chủ đích về lâu dài nhờ tác động “cộng gộp” trong kiểm soát sâu hại và giảm bớt nỗi lo cho người sử dụng về thiệt hại năng suất do sâu hại cũng như các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nhờ giảm thiểu phơi nhiễm với thuốc trừ sâu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.