Ngô Hồng Quang và những cuộc phiêu lãng giữa hai miền Đông-Tây

Chàng trai với mái tóc xoăn xù ấn tượng ấy đã lựa chọn cách đi xa, vượt ra khỏi không gian quen thuộc, để đến với thế giới của những thanh âm mới, rồi trở về với một tâm thế khác.
Ngô Hồng Quang và những cuộc phiêu lãng giữa hai miền Đông-Tây ảnh 1Ngô Hồng Quang muốn đưa lên sân khấu những tác phẩm không kết hợp với nhạc điện tử mà hoàn toàn chỉ có các loại nhạc cụ dân tộc nhưng lại chơi theo lối đương đại. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp).

“Tôi đã lựa chọn con đường của riêng mình và trong thời gian tới, chắc chắn sẽ không thay đổi. Dù ai nói gì thì với tôi, đó cũng không phải là vấn đề lớn. Những ý kiến trái chiều đã không còn khiến tôi phiền muộn, nặng lòng suy nghĩ. Bởi, tôi biết mình muốn gì. Đó mới là điều quan trọng,” nghệ sỹ Ngô Hồng Quang chia sẻ.

Từ bỏ công việc cùa một giảng viên, Ngô Hồng Quang theo đuổi con đường riêng - kết hợp âm nhạc cổ truyền của dân tộc với nhạc cụ phương Tây, tạo nên những cuộc đối thoại ấn tượng giữa nghệ thuật truyền thống Việt Nam với nghệ thuật đương đại phương Tây. Anh vừa là một nhạc sỹ sáng tác vừa là một nghệ sỹ trình diễn với chất giọng khác lạ và khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc (đàn tính, đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, chiêng dây…).

“Tôi tin, khi kết hợp với các yếu tố đương đại, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam sẽ đến được với đông đảo công chúng (cả ở trong nước và quốc tế) hơn,” Ngô Hồng Quang chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ dân tộc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Ngô Hồng Quang được giữ lại làm giảng viên nhưng anh vẫn luôn cảm thấy có điều gì đó thôi thúc bên trong. Bởi vậy, chàng trai với mái tóc xoăn xù ấn tượng ấy đã lựa chọn cách đi xa, vượt ra khỏi không gian của âm nhạc ngũ cung để đến với thế giới của những thanh âm mới; để rồi trở về với một tâm thế khác.

Thời gian qua, Ngô Hồng Quang đã khiến giới mộ điệu vô cùng thích thú, “phấn khích” khi kết hợp dân ca quan họ Bắc Ninh (một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO vinh danh) với nhạc cụ phương Tây và beatbox - một bộ môn nghệ thuật mô phỏng âm thanh của bộ gõ, mang đậm dấu ấn đương đại.

Không muốn mình dừng lại ở đó

- Ý tưởng của việc tìm tòi kết hợp âm nhạc truyền thống Việt Nam với nhạc cụ phương Tây đến với anh như thế nào, thưa nghệ sỹ?

Nghệ sỹ Ngô Hồng Quang: Tôi xuất thân là một người học âm nhạc dân tộc, gắn bó với cây đàn nhị từ năm 9 tuổi. Sau khi tốt nghiệp và trở thành giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi không muốn mình dừng lại ở đó. Tôi muốn đi xa hơn. Thế nhưng, đi xa là đi đâu và đi bằng cách nào lại là câu hỏi khiến tôi trăn trở suốt một thời gian dài.

Sau đó, tôi quyết định đi nước ngoài để học thêm những điều mới, cập nhật tư duy mới - tư duy âm nhạc đương đại. Tôi đã hoàn thành khóa học sáng tác âm nhạc đương đại ở Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan. Hiện nay, mỗi năm, tôi về Việt Nam biểu diễn vài ba lần, giới thiệu về những sản phẩm, dự án mới nhưng chủ yếu vẫn sống và làm việc ở Hà Lan. Bên cạnh đó, tôi cũng đi diễn ở nhiều nước, kết nối với các nghệ sỹ đến từ nhiều quốc gia. Tôi cảm thấy rất thú vị và nhận thấy, mình đã đi đúng hướng.

Ngô Hồng Quang và những cuộc phiêu lãng giữa hai miền Đông-Tây ảnh 2Ngô Hồng Quang vừa là một nhạc sỹ sáng tác vừa là một nghệ sỹ trình diễn với chất giọng khác lạ và khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

- Có khi nào, anh phải đối diện với những ý kiến trái chiều cho rằng, anh phá nát những giá trị truyền thống không?

Nghệ sỹ Ngô Hồng Quang: Có chứ! Thời gian đầu, rất nhiều người nghi ngại về sự lựa chọn và con đường của tôi. Điều đó cũng dễ hiểu thôi bởi ranh giới giữa “phá cách” với “phá hoại” cũng rất mong manh. Hơn nữa, đối với mỗi sản phẩm, sẽ luôn có hai luồng quan điểm: thích và không thích, tán thành hay không tán thành.

Thú thực, ban đầu, khi mới theo học, tôi cũng sợ môi trường ấy sẽ khiến chất truyền thống trong mình bị mờ đi. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn ngược lại. Thay vì yêu cầu học viên “phải thế này,” “cần thế kia,” các thầy/cô giáo ở đó luôn khuyến khích tôi phát huy thế mạnh cá nhân và tìm ra con đường đi riêng cho mình với những câu hỏi như: “Đâu là dấu ấn riêng trong các sáng tác của bạn?” “Tại sao bạn muốn kết hợp thứ này với thứ kia?” hay “Điều gì tạo ra sự khác biệt cho những sản phẩm âm nhạc của bạn so với những sản phẩm khác?”…

Đến nay, tôi cảm thấy những những ý kiến như vậy không tác động tiêu cực gì tới mình nữa. Tôi đã xác định sự nghiệp của mình là đưa âm nhạc cổ truyền của Việt Nam ra thế giới và kết nối với thời hiện đại. Tôi đã lựa chọn con đường đó và chắc chắn trong tương lai, tôi vẫn sẽ kiên định với quyết định của mình. Dù ai (kể cả đồng nghiệp hay những người ngoại đạo) nói gì thì cũng không có vấn đề gì.

[Mega Story: 'Pot-Au-Phở' và 6 năm của những kẻ khùng]

- Vậy anh kết nối bằng cách nào?

Nghệ sỹ Ngô Hồng Quang: Tôi nhập tư duy âm nhạc đương đại của thế giới vào vốn cổ của mình, nói cách khác là, tôi đưa chất liệu truyền thống vào không gian âm nhạc đương đại.

Thời gian sống, học tập và hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài tạo cho tôi điều kiện rất tốt để hiểu thêm về âm nhạc đương đại, tiếp cận với những lối tư duy mới, biết cách kết nối các loại hình âm nhạc trên thế giới. Trong tổng thể chung đó, tôi càng trân quý hơn vốn nghệ thuật truyền thống của dân tộc và biết cách sử dụng thế nào cho hiệu quả. Có nhiều thứ khi ở ngay bên cạnh thì ta chưa hiểu hết giá trị và chưa thấy nó hay, đẹp; thế nhưng, khi đi xa rồi, ta mới thực sự thấy đáng quý chừng nào.

Bên cạnh đó, bản thân tôi vốn có chất liệu dân gian rồi, bây giờ lại hiểu về chất liệu đương đại nữa nên việc kết hợp hai yếu tố đó với nhau cũng không phải là điều quá khó. Tôi tin, điều đó tạo ra sự kế thừa, tiếp nối và phát triển tự nhiên cho âm nhạc dân tộc. Hơn nữa, khi theo đuổi con đường này, tôi tự khám phá ra nhiều nguồn năng lượng mới trong mình. Tôi thích sự mới mẻ, được thay đổi liên tục cả trong cuộc sống và âm nhạc.

Tôi đã có những sản phẩm cụ thể theo hướng này nhận được sự tán thành, ủng hộ lớn của nhiều đồng nghiệp và công chúng như “Nam nhi”…

“Nam nhi” bao gồm một số ca khúc quan họ Bắc Ninh kết hợp với ngũ tấu đàn phương Tây (hai violin, một viola, một cello và một contrabass), một số sáng tác mới viết cho nhạc cụ dân tộc và một số bài dựa trên chất liệu dân gian của người Tày, người Mông. Từ sự kết hợp những làn điệu quan họ mượt mà với những âm sắc của ngũ tấu đàn dây phương Tây, tôi muốn tạo ra một cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và phương Tây.

Ngô Hồng Quang và những cuộc phiêu lãng giữa hai miền Đông-Tây ảnh 3 "Tôi tin, khi kết hợp với các yếu tố đương đại, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam sẽ đến được với đông đảo công chúng (cả ở trong nước và quốc tế) hơn," nghệ sỹ Ngô Hồng Quang chia sẻ. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Tình yêu với âm nhạc của các dân tộc thiểu số

- Quan họ gốc không sử dụng nhạc đệm, các liền anh, liền chị hát đối đáp mộc. Vậy anh làm thế nào quan họ hòa điệu được với hệ thống đàn dây phương, kết nối tư duy âm nhạc Á Đông và phương Tây?

Nghệ sỹ Ngô Hồng Quang: Tôi phải nghiên cứu kỹ về chất ngũ cung, đặc biệt là những luyến láy, hoa mỹ của quan họ Bắc Ninh để kết hợp với những kỹ thuật của bộ dây phương Tây. Những kỹ thuật “vuốt, rung, nhấn, luyến” của phương Tây hoàn toàn phù hợp để kết nối, cộng hưởng với làn điệu quan họ Bắc Ninh mềm mại, uyển chuyển.

Nếu tôi sử dụng những loại nhạc cụ có phím sẵn (như đàn piano) thì sẽ không làm nổi bật được những luyến láy, kỹ thuật hát “vang, rền, nền, nảy” của quan họ.

Bên cạnh đó, tôi cũng sử dụng những hòa âm mới, ngoài những hòa âm dựa trên chất ngũ cung ra còn có hòa âm đương đại để tạo ra cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Hơn nữa, quan họ không giàu tính nhịp điệu. Bộ gõ cũng rất ít khi được sử dụng khi trình diễn. Do vậy, khi kết hợp với beatbox thì sẽ mở ra một không gian mới với sự trẻ trung, sinh động.

- Tại sao anh lại chọn quan họ để bắt đầu cuộc đối thoại giữa âm nhạc cổ truyền Việt Nam với nhạc cụ phương Tây?

Nghệ sỹ Ngô Hồng Quang: Tôi nghe quan họ từ khi còn nhỏ. Đối với tôi khi đó, giữa các loại hình (như chèo, xẩm, cải lương, quan họ….) thì quan họ là dễ hát nhất, dễ nghe nhất và tôi cảm thấy rất thích. Nó giống như kiểu một dạng nhạc pop của truyền thống.

Tôi muốn đưa chất đương đại vào những làn điệu vốn dễ nghe để đưa nó đến một chiều kích khác, để khán giả thưởng thức âm nhạc quan họ trong một không gian khác. Nếu tôi chọn chèo hay bất cứ một loại hình nghệ thuật truyền thống nào khác thì còn khó nghe nữa. Đây là bước đầu tiên nên không thể gây “sốc” quá.

Tôi lựa chọn đi từng bước một để khán giả thẩm thấu dần, nghe quen dần rồi sẽ mở rộng hơn, nâng dần mức độ. Nếu ngay lập tức hòa âm quá trừu tượng thì sẽ phá vỡ không gian, giai điệu đẹp của quan họ Bắc Ninh.

- Vậy, sau quan họ, anh sẽ “thổi hồn” đương đại cho loại hình nghệ thuật truyền thống nào?

Nghệ sỹ Ngô Hồng Quang: Trong thời gian học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi được học về nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, ca Huế, cải lương… Bên cạnh đó, tôi cũng có một tình yêu khác với âm nhạc của các dân tộc thiểu số ở những vùng núi cao. Tôi cảm thấy mê mẩn, bị hút hồn bởi những chất liệu đẹp, phong phú ấy.

Bởi vậy, sau quan họ, có thể chất liệu âm nhạc, nghệ thuật của vùng núi phía Bắc hoặc Tây Nguyên sẽ là lựa chọn tiếp theo của tôi. Bên cạnh đó, tôi cũng có một dự án khác là sáng tác những tác phẩm để nhạc cụ dân tộc Việt Nam kết hợp với nhạc cụ dân tộc của các nước khác (như Senegal, Iran) cùng biểu diễn.

Trong thời gian tới, tôi muốn tôn vinh nghệ thuật cổ truyền dân tộc bằng cách sáng tác những ca khúc hoặc tác phẩm khí nhạc chỉ có riêng nhạc cụ dân tộc trình diễn; đưa lên sân khấu những tác phẩm không kết hợp với nhạc điện tử mà hoàn toàn chỉ có các loại nhạc cụ dân tộc nhưng lại chơi theo lối đương đại. Tất nhiên, đó là kế hoạch “dài hơi” và cần rất nhiều thời gian, tâm sức nhưng hoàn toàn khả thi.

Ngô Hồng Quang và những cuộc phiêu lãng giữa hai miền Đông-Tây ảnh 4Từ bỏ công việc cùa một giảng viên, Ngô Hồng Quang theo đuổi con đường riêng - kết hợp âm nhạc cổ truyền của dân tộc với nhạc cụ phương Tây. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp)

Cội nguồn của năng lượng

- Anh có chia sẻ rằng, khi nghệ thuật truyền thống kết hợp với các yếu tố đương đại thì sẽ thu hút được nhiều công chúng. Đây là một trong những hướng đi hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. Vậy, theo anh, nếu không đưa vào các yếu tố đương đại thì có thể quảng bá được vốn cổ trong bối cảnh hiện nay không?

Nghệ sỹ Ngô Hồng Quang: Tôi nghĩ là làm được vì thực tế, hiện nay, tôi vẫn làm vậy. Tôi kết hợp song song cả hai phương thức.

Trong nhiều show diễn ở các trung tâm nghệ thuật, trường đại học ở Pháp, Hà Lan mà tôi tham gia, các loại hình nghệ thuật truyền thống được biểu diễn theo đúng bản cổ, không hề phá cách và đưa vào những yếu tố đương đại. Bên cạnh đó, có những workshop trình bày rất kỹ về âm nhạc dân tộc Việt nam, cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cũng như cách chơi các bài cổ. Những chương trình này thu hút khá đông khán giả, đặc biệt là người nghiên cứu, muốn tìm hiểu sâu về văn hóa Việt.

Còn tất nhiên, khi nghệ thuật truyền thống kết hợp với các yếu tố đương đại thì sẽ dễ tiếp cận được với đông đảo công chúng hơn. Đặc biệt, với việc đưa vào những yếu tố đương đại (về mặt hòa âm, phối khí…), khán giả phương Tây sẽ dễ cảm nhận, thẩm thấu được những tác phẩm âm nhạc cổ truyền của Việt Nam hơn. Khi đưa những thanh âm của đàn bầu, đàn tính, đàn môi… vào những không gian mà khán giả cảm nhận ngay được thì người ta sẽ bị cuốn hút, thích thú theo dõi.

Thế nhưng, mặt khác, yêu cầu đặt ra với nghệ sỹ là phải thực sự hiểu về văn hóa, âm nhạc của Việt Nam và các vùng miền khác trên thế giới thì khi kết hợp mới không bị lố.

- Không chỉ sáng tác, hòa âm, phối khí, anh còn chơi được nhiều loại nhạc cụ và sở hữu giọng hát rất ấn tượng (với khả năng hát một số kỹ thuật ngoài Việt Nam như kỹ thuật hát song thanh của Mông Cổ…). Thời gian qua, anh liên tục đi lưu diễn ở nhiều nước và giới thiệu những dự án mới (“Song hành,” “Hanoi Duo,” “Nam nhi” và sắp tới là “Nhìn lại”…). Anh có bí quyết gì để có được nguồn năng lượng dồi dào ấy, thưa nghệ sỹ?

Nghệ sỹ Ngô Hồng Quang: À, thực ra, chuyện này khá đơn giản! Tôi tập yoga để có sức khỏe và sự dẻo dai, bền bỉ để làm tất cả những việc ấy.

- Trận trọng cảm ơn anh!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục