Ngày 8/9, cả 5 ngư dân có tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng cuối cùng đã đồng thuận phương án sửa chữa mà không phải tháo vỏ thép ra đóng lại tàu.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đã mời hai chuyên gia về vật liệu kim loại-luyện kim - phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Trọng Bá và phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Vũ Ngoạn - đều là thành viên Hội Đúc-Luyện kim Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá về chất lượng vỏ thép các tàu.
Theo kết luận của các chuyên gia, các mẫu vỏ thép đóng tàu đều đạt quy định đối với loại thép thường cấp A theo QCVN 21:2010, được phép dùng để đóng vỏ tàu.
Đồng thời, các chuyên gia cũng khẳng định các tàu vỏ thép do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương đóng bị hoen rỉ nhiều, nguyên nhân chủ yếu không phải do vật liệu làm vỏ tàu mà do không có biện pháp bảo vệ vỏ tàu theo đúng quy định (bao gồm bảo vệ điện hóa và sơn phủ theo quy định cho vỏ tàu thép).
Sau khi họp bàn, các chủ tàu gồm ông Võ Tuân, chủ tàu BĐ99018TS; Trần Minh Vương, chủ tàu BĐ99027TS; Mai Văn Chương, chủ tàu BĐ99179TS; Nguyễn Văn Lý, chủ tàu BĐ99004TS và Nguyễn Văn Mạnh, chủ tàu BĐ99567TS đều thống nhất để Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương sửa chữa tàu.
Phương án sửa chữa được lên kế hoạch cho từng tàu, chủ yếu sẽ tập trung thay các mảnh thép bị hoen rỉ nhiều không còn độ dày theo tiêu chuẩn; phun cát làm sạch hoàn toàn bề mặt thép và tiến hành phun sơn 5 lớp đúng quy trình kỹ thuật dưới sự giám sát chặt chẽ 24/24 của đại diện hãng sơn và đại diện Trung tâm Đăng kiểm tàu cá; lắp đặt thêm thiết bị chống ăn mòn cho tàu...
Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương cũng sẽ thiết kế lại và thay đổi một số hạng mục trên cả 5 tàu để các chủ tàu chuyển đổi từ nghề lưới vây sang nghề mành chụp, phù hợp với thiết kế tàu.
Ông Võ Tuân, chủ tàu BĐ99018TS nói: “Ngư dân chúng tôi bây giờ cần làm sao sửa chữa tàu nhanh, mấy tháng gần đây, chúng tôi thất thu hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến biển. Các tàu vỏ thép hoạt động tốt gần đây đều có thu hoạch từ 500 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng mỗi chuyến biển."
[Bình Định yêu cầu đơn vị đóng tàu vỏ thép sửa chữa theo đúng thiết kế]
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cũng đã đề nghị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Phú Tài phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương tính toán lại các phần chênh lệch về chi phí vật liệu vỏ tàu, sửa chữa, thay đổi thiết kế để giảm thiệt hại, giảm nợ ngân hàng cho ngư dân.
Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương, ông Nguyễn Xuân Nguyên cũng đã cam kết tập trung nhân vật lực để sửa chữa nhanh tàu vỏ thép cho ngư dân.
Ông Nguyên cho biết đến ngày 18/9, công ty sẽ hoàn thành việc sửa chữa tàu BĐ99018TS của ông Võ Tuân. Các tàu còn lại sẽ lần lượt được hoàn thành sau đó. Đến 18/10, công ty sẽ sửa xong toàn bộ 5 tàu vỏ thép của các ngư dân Bình Định.
Cũng liên quan đến tàu vỏ thép, ngoài 5 tàu do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương đóng, tại Bình Định còn có 15 tàu do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Triệu (Hải Phòng) đóng bị hư hỏng đang được gấp rút sửa chữa.
Có 7 tàu đã được sửa chữa xong, 8 tàu còn lại dự kiến cũng sẽ sớm được hoàn thành để ngư dân có thể ra khơi trước khi mùa mưa bão đến./.