Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hối hả đưa tàu vươn khơi sau bão

Tại cảng cá Tịnh Kỳ, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, hàng chục tàu cá công suất lớn được ngư dân tiếp nhiên liệu, lương thực, nổ máy vươn khơi ngay sau khi bão số 4 đi qua.
Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi hối hả đưa tàu vươn khơi sau bão ảnh 1Lực lượng biên phòng Quảng Ngãi giúp ngư dân neo trú tàu thuyền phòng tránh bão những ngày qua. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Ngay sau khi bão số 4-Noru đi qua, các cảng cá trong tỉnh Quảng Ngãi cũng dần nhộn nhịp trở lại khi ngư dân hối hả chuẩn bị nhu yếu phẩm, sẵn sàng đưa tàu thuyền vươn khơi khai thác hải sản.

Tại cảng cá Tịnh Kỳ, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, hàng chục tàu cá công suất lớn được ngư dân tiếp nhiên liệu, lương thực, nổ máy vươn khơi.

Ngư dân Phan Văn Tuy, chủ tàu cá NA 99678 TS cho biết, tàu của anh có công suất 650Cv, chủ yếu khai thác ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 24/9, khi đang khai thác trên vùng biển Hoàng Sa, anh nhận được thông tin bão số 4 sắp vào biển Đông nên khẩn trương đưa tàu vào cảng cá Tịnh Kỳ bán cá, neo trú tránh bão. Bão đã qua, anh Tuy khẩn trương chuẩn bị nhu yếu phẩm để chiều 30/9 cho tàu xuất bến.

“Phiên biển vừa rồi tàu tôi mới ra khơi được 4 ngày, nhưng nghe báo bão nên phải quay về đây neo trú. Số cá, mực bán được chưa đủ bù chi phí. Chuyến này vươn khơi chỉ mong thu được nhiều hải sản để anh em bạn tàu có thu nhập,” anh Tuy cho biết.

Ngư dân Nguyễn Thanh Tân, trú xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi cũng hối hả nạp dầu, chuyển đá lạnh và lương thực lên tàu trong niềm phấn khởi sau gần một tuần tàu cá nằm bờ tránh bão.

[Hỗ trợ khẩn cấp hộ dân bị ảnh hưởng bởi bão tại Quảng Nam, Quảng Ngãi]

Các thuyền viên trên tàu khẩn trương kiểm tra, sửa lại tấm lưới, máy móc để sẵn sàng vươn khơi. Anh Tân cho rằng, theo kinh nghiệm của ngư dân thì sau bão, cá thường nhiều hơn so với bình thường nên các chủ tàu đều tranh thủ xuất bến sớm. Hơn nữa, theo dự báo thời tiết, từ giờ đến cuối năm sẽ có nhiều cơn bão xuất hiện trên biển Đông, nên sau chuyến này có khi tàu phải nằm bờ cả tháng vì biển động.

Theo thống kê của Ban quản lý cảng cá Tịnh Kỳ, từ 9h ngày 29/9 (hết lệnh cấm biển) đến 9h ngày 30/9, có 36 lượt tàu, thuyền rời cảng. Để đáp ứng nhu cầu vươn khơi của các chủ tàu, Ban quản lý cảng lên kế hoạch sắp xếp, bố trí thứ tự các tàu lấy hàng hợp lý, trong thời gian nhanh nhất có thể; đồng thời, yêu cầu bộ phận hậu cần cảng luôn sẵn sàng cung ứng kịp thời xăng dầu, đá, nhu yếu phẩm để các tàu sớm xuất bến.

Sinh sống dọc theo bờ biển, khi bão tan, người dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đã đổ ra biển và cùng nhau hướng về phía khơi xa. Từng tốp người vui cười, tất bật chuẩn bị cho phiên biển mới.

Ngư dân Lê Văn Thạch, xã Bình Châu cho biết, sau khi lệnh cấm biển được dỡ bỏ, các ngư dân khẩn trương sửa chữa ngư lưới cụ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước, đá tiếp tục ra khơi, bám biển.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết, toàn xã có khoảng 480 tàu đánh bắt xa bờ, với khoảng 9.000 người sinh sống bằng nghề đi biển, chiếm 2/3 dân số địa phương.

Số tàu cá và ngư dân khai thác ở hai ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa chiếm 80% trong số đó. Trung bình hàng năm, ngư dân xã Bình Châu cung cấp khoảng 16.000-20.000 tấn hải sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Phát triển kinh tế biển hàng năm đã đem lại thu nhập cho các gia đình và địa phương khá lớn. Vì vậy, ngư dân luôn có tinh thần quyết tâm bám biển rất cao. Do đó sau bão, không khí chuẩn bị ra khơi rất khẩn trương, rộn ràng với các công việc như đưa đá lên khoang, tiếp nhiên liệu cho chuyến vươn khơi dài ngày.

“Hiện nay, trời hửng nắng, không có gió nhưng chúng tôi vẫn khuyến cáo ngư dân phải cập nhật thông tin thời tiết liên tục, khai thác ở ngư trường không quá xa để đề phòng thời tiết xấu có thể trở lại,” ông Hùng nói.

Trong đợt bão số 4, tại các cảng neo đậu tàu thuyền trên địa bàn tỉnh có 1.750 tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh về trú, tránh bão. Do đó, ngay sau khi lệnh cấm biển được dỡ bỏ, những đoàn tàu nối tiếp nhau ra khơi, đánh bắt tôm, cá với mong ước về một phiên biển đạt sản lượng, giá trị cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục