Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, ngày 26/9 lực lượng chức năng và ngư dân tỉnh Quảng Trị đang gấp rút triển khai quyết liệt nhiều giải pháp ứng phó.
Tại bãi tập kết tàu thuyền của xã vùng biển Gio Hải, huyện Gio Linh, hàng chục người dân và lực lượng của Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt gấp rút đẩy, khiêng các tàu cá ven bờ có công suất từ 8-10CV từ dưới bãi cát lên các khu đất trống cao nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Xã Gio Hải có khoảng 400 tàu nhưng hầu hết đã được người dân triển khai các biện pháp di chuyển, neo đậu, đưa vào bờ an toàn.
[Khánh Hòa, Gia Lai, Phú Yên triển khai nhiều biện pháp ứng phó bão]
Ông Phan Đình Kham (65 tuổi, Tổ trưởng Tổ tự quản tàu thuyền an toàn thôn 5, xã Gio Hải) chia sẻ khi biết thông tin về cấp độ của siêu bão NORU, ngư dân đã chủ động chằng chống nhà cửa, khiêng đẩy tàu thuyền đến nơi an toàn.
Toàn thôn hiện có 45 chiếc đều được đưa đến nơi cao từ 30-50m, nếu diễn biến bão phức tạp, số thuyền trên sẽ được đưa sâu hơn nữa vào đất liền.
Ngay từ chiều 25/9 và sáng nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã hỗ trợ bà con chằng chống, kê cao đồ đạc, chuẩn bị lương thực cũng như sẵn sàng chuẩn bị di dời các gia đình ở sát biển đến nơi an toàn...
Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt đã huy động 100% quân số hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa; sắp xếp, neo đậu tàu thuyền; giúp đỡ người dân đưa ghe, tàu lên nơi trú ẩn an toàn; tuyên truyền người dân triển khai các biện pháp chuẩn bị phòng chống bão; chuẩn bị sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để tổ chức phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn.
Mọi công tác được diễn ra gấp rút khẩn trương, quyết liệt nhất với phương châm “bốn tại chỗ.”
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Anh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt, đơn vị đang quản lý khoảng 1.000 tàu cá của các xã Gio Hải, Trung Giang, thị trấn Cửa Việt.
Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bão số 4, đơn vị đã chủ động triển khai lực lượng kêu gọi tàu thuyền cập bến trú bão.
Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương di chuyển các tàu, thuyền nhỏ có công suất từ 8-10CV của bà con đến nơi an toàn để bảo vệ tài sản cho người dân.
Mặt khác phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án sắp xếp, di dời ngư dân, người dân từ vùng thấp trũng, ven biển có nguy cơ đến các trường học để trú ẩn; đặc biệt chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm, nước uống cho bà con trong điều kiện bão và mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày.
Tại Khu neo đậu tàu thuyền Nam Cửa Việt, huyện Triệu Phong, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân đã được lực lượng chức năng hướng dẫn, hỗ trợ neo đậu trú tránh bão hết sức khẩn trương. Tàu thuyền được chằng neo đúng vị trí, đảm bảo khoảng cách an toàn.
Trung tá Ngô Quang Thuyên, Đồn Biên phòng Triệu Vân, cho hay đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng để kêu gọi tàu thuyền vào bờ, sắp xếp nơi neo đậu; đảm bảo an ninh trật tự cho người dân; tuyên truyền vận động nhân dân không được chủ quan lơ là khi bão đổ bộ tránh thiệt hại về người và tài sản.
Đơn vị đang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai lực lượng đến chằng chống các trụ sở, trường học, nhà dân... cũng như lên phương án di dời dân ở những vùng có nguy cơ đến nơi an toàn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã kêu gọi toàn bộ 2.302 tàu, thuyền với 6.136 thuyền viên vào neo đậu tại các bến an toàn.
Từ 19 giờ ngày 25/9, tỉnh Quảng Trị nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; trước 17 giờ ngày 26/9 tàu thuyền phải được sắp xếp tránh trú bão an toàn.
Tại các địa điểm neo đậu tàu thuyền, các lực lượng chức năng kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trường hợp cần thiết sẽ thực hiện cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Tỉnh Quảng Trị cũng đã lên các phương án, kịch bản di dân tránh bão và tránh lũ, đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; vận động nhân dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7-10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bão, mưa lũ kéo dài.../.