Người cựu chiến binh miệt mài sưu tầm ảnh và tư liệu về Bác

Gần 20 năm qua ông Tạ Quang Lộc, trú tại phường Hưng Dũng, thành phố Vinh (Nghệ An) đã miệt mài đi sưu tầm hàng trăm bức ảnh, sách, tư liệu về Bác.
Người cựu chiến binh miệt mài sưu tầm ảnh và tư liệu về Bác ảnh 1Ông Tạ Quang Lộc ghi chép cẩn thận lời căn dặn, lời dạy của Bác đối với mọi tầng lớp nhân dân. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Xuất phát từ tình cảm tôn kính và biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu, gần 20 năm qua ông Tạ Quang Lộc, trú tại phường Hưng Dũng, thành phố Vinh (Nghệ An) đã miệt mài đi sưu tầm hàng trăm bức ảnh, sách, tư liệu về Bác.

Hiện, ông Tạ Quang Lộc đã lập nên một thư viện trưng bày ảnh, sách tư liệu về Bác để giới thiệu đến người dân khối xóm, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đến thăm thư viện ảnh Bác của ông Tạ Quang Lộc tại phường Hưng Dũng, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi hàng trăm tấm ảnh chụp Bác Hồ qua các thời kỳ đã được ông sưu tầm và lưu giữ.

Để có được thư viện ảnh, sách tư liệu quý này, mỗi khi nghe thấy thông tin anh em, bạn bè, đồng đội dù ở miền Bắc hay miền Nam có ảnh Bác Hồ, cựu chiến binh Tạ Quang Lộc lại cất công đi đến tận nơi xin về để lưu giữ, trưng bày. Mỗi lần tìm được ảnh Bác, ông rất vui mừng.

Ông Tạ Quang Lộc (sinh năm 1942), quê xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu (Nghệ An), năm 1968 ông viết đơn xin nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau thời gian được huấn luyện, ông được điều động vào chiến đấu tại chiến trường B3, B4, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, đường 9 Nam Lào.

Sau những trận đánh trên đường Nam Lào, ông bị thương nặng. Đến năm 1972, ông được chuyển ra Bắc sau đó vào điều trị tại Bệnh viện Quân y 4 với tỷ lệ mất sức 81%.

Điều trị được hai năm, năm 1974 ông Tạ Quang Lộc trở về quê hương lập gia đình, làm ăn kinh tế tại địa phương. Năm 1982, gia đình ông chuyển về sinh sống tại phường Hưng Dũng, thành phố Vinh và sinh sống bằng nghề vẽ truyền thần.

Từ năm 1990, cựu chiến binh Tạ Quang Lộc bắt đầu hành trình đi sưu tầm những bức ảnh và sách tư liệu về Bác Hồ.

Ông Tạ Quang Lộc chia sẻ: “Là một người lính cụ Hồ, tôi thấu hiểu hơn hết công lao to lớn của Bác đối với dân tộc ta. Nhằm góp phần giúp mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể hiểu sâu hơn về quá trình hoạt động cách mạng của Bác, về nhân cách, đạo đức Hồ Chí Minh nên tôi đã dành thời gian để đi sưu tầm thật nhiều bức ảnh, sách tư liệu về Bác.” 

[Ký ức của người anh hùng lao động nhiều lần được gặp Bác]

Sau gần 20 năm miệt mài đi sưu tầm, ông Tạ Quang Lộc đã sưu tầm được 860 bức ảnh và 800 đầu sách tư liệu về Bác.

Sau khi có ảnh Bác, ông lại tìm hiểu nguồn gốc, năm tháng rồi phân chia ảnh theo các thời kỳ, chặng đường hoạt đông cách mạng của Bác để mọi người có thể dễ hiểu, dễ xem.

Hiểu được sự tâm huyết của ông Tạ Quang Lộc, Khối Tân Hợp, phường Hưng Dũng nơi ông đang sống đã cho ông mượn căn phòng Thư viện của Khối để có thể trưng bày các chuyên đề ảnh về Bác; đồng thời tạo điều kiện để mọi người dân, các học sinh có thể tham quan, xem các bức ảnh về Bác.

Những bức ảnh đen trắng, được dán ngay ngắn trên các tấm panô rất đỗi giản dị, nhưng ẩn sâu trong đó là cả sự tâm huyết và là sự tôn trọng, biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để có được những bức ảnh quý giá này là điều không hề dễ dàng, có nhiều bức ảnh ông phải lặn lội vào tận Thành phố Hồ Chí Minh hay ra các tỉnh phía Bắc thuyết phục chủ nhân có bức ảnh để xin lại.

Cầm bức ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh kéo lưới cùng ngư dân trên bãi biến Sầm Sơn” ông Tạ Quang Lộc xúc động kể lại: “Năm 1995, hay tin có một người ở Thành phố Hồ Chí Minh có tấm ảnh này về Bác, tôi vội bắt xe khách vào đến nơi để xin lại. Đi được nửa đường thì ngã bệnh rồi ngất xỉu trên xe khách, nhưng sau tỉnh dậy tôi vẫn quyết tâm đi tiếp. Vào tới nơi, kể lại sự tình với người ta, thương cảm rồi họ cho tôi bức ảnh này, cầm ảnh trên tay mà mừng không nói nên lời.”

Hiện nay, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19/5, ngày Quốc khánh 2/9, ông Tạ Quang Lộc lại mở cửa “Thư viện” ảnh Bác để nhân dân cùng các cháu thiếu nhi tới xem.

Ông cũng thuyết minh ý nghĩa cũng như nguồn gốc ra đời của các bức ảnh cho người xem.

Bên cạnh đó, hàng trăm đầu sách tư liệu về Bác cũng được để ngay ngắn trong tủ phục vụ cho các thế hệ thanh thiếu niên có thể đến nghiên cứu, đọc và tìm hiểu về Bác.

Người cựu chiến binh miệt mài sưu tầm ảnh và tư liệu về Bác ảnh 2Ông Tạ Quang Lộc thuyết minh ý nghĩa, nguồn gốc của từng bức ảnh về Bác cho các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn phường Hưng Dũng. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Anh Nguyễn Như Trung, Bí thư Đoàn phường Hưng Dũng, thành phố Vinh cho biết: “Các bạn đoàn viên thanh niên tới thăm thư viện ảnh Bác do bác Lộc sưu tầm ai cũng rất xúc động. Từ những bức ảnh này, các bạn đoàn viên thanh niên lại hiểu sâu hơn về con đường hoạt động cách mạng của Bác, hiều sâu hơn về nhân cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Cũng từ đó, thế hệ trẻ chúng em lại quyết tâm ra sức học tập, góp sức xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp không phụ công lao của Người.”

Trăn trở lớn nhất của ông Tạ Quang Lộc hiện nay là do kinh phí còn hạn hẹp mà một số chuyên đề ảnh như Bác Hồ với Quốc tế, Bác Hồ với Thiếu nhi vẫn chưa được ép và lên khung để trưng bày, giới thiệu đến người dân. Bên cạnh đó, nhiều bức ảnh vẫn đang phải ghi “ảnh không rõ ngày tháng,” gây khó khăn cho việc thuyết minh nguồn gốc, ý nghĩa của các bức ảnh.

Không chỉ là một người say mê sưu tầm ảnh Bác, ông Tạ Quang Lộc còn luôn hăng hái tham gia công tác xã hội tại địa phương.

Gần 10 năm làm Khối trưởng khối Tân Hợp, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, ông Lộc luôn là người đi đầu trong các phong trào tại địa phương, luôn động viên người dân trong khối hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Chính vì vậy, nhiều năm qua ông luôn được người dân khối xóm yêu quý, tín nhiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục