Năm 1977, Chính phủ Ấn Độ bắt đầu một chương trình đầy tham vọng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình sa mạc hóa ở các sa mạc nóng và lạnh thuộc quốc gia châu Á này.
Ông Anand Dhawaj Negi lúc bấy giờ đang làm việc trong bộ phận tài chính phụ trách Chương trình Phát triển Sa mạc và đã chứng kiến hàng triệu USD bị tiêu tốn mà không thực sự đem lại bất kỳ kết quả nào.
Bất cứ khi nào ông hỏi các nhà khoa học và các quan chức tham gia chương trình về kết quả, câu trả luôn là họ thiếu công nghệ để phát triển bất kỳ loại cây trồng bền vững nào trong môi trường khắc nghiệt là sa mạc.
Bản thân là con trai của một nông dân, Negi cảm thấy mệt mỏi với những lý do bào chữa và đã xin nghỉ phép vào năm 1999 để tự khắc phục vấn đề này.
Đến năm 2003, ông đã quyết định xin nghỉ hẳn việc để tập trung toàn bộ sức lực cho ốc đảo giữa sa mạc đang phát triển của mình.
Ông Negi đã tự mình biến vùng đất cằn cỗi ở sa mạc lạnh giá Himachal Pradesh thành một ốc đảo xanh chỉ để cho mọi người, đặc biệt là những nông dân đang gặp khó khăn trong khu vực, thấy cải tạo sa mạc hoàn toàn là chuyện khả thi.
Đó không phải là điều dễ dàng thực hiện, nhưng cựu quan chức này biết mình phải làm gì và có tham vọng cũng như sự kiên nhẫn để vượt qua nó.
Nỗ lực đầu tiên của ông Negi đã thất bại khi những hạt giống không có đủ nước để phát triển.
Ông đã khắc phục thử thách đầu tiên này bằng cách gieo trồng theo đường viền, xới đất dọc theo một độ cao nhất quán để tận dụng được nước mưa và giảm xói mòn đất. Đồng thời ông làm việc với cộng đồng địa phương để tạo ra các kênh tưới tiêu nông dẫn dòng chảy từ các sông băng cách đó khoảng 25km. Sau khi chứng kiến quá trình này, sở thủy lợi địa phương cũng bắt đầu hợp tác.
“Sở thủy lợi cung cấp nước cho khu vực này. Trước đó, nước đã không được cung cấp cho đến trước tháng Sáu. Tôi đã kết nối với khu vực Kuhls và xoay sở để có được nguồn cung cấp nước trong tháng Tư và tháng Năm. Khi chúng tôi làm được điều đó, Sở thủy lợi cũng đã hợp tác và đảm bảo cung cấp nước thường xuyên ở đây,” ông Negi nói với Down to Earth.
Nhưng nước chỉ là một trong những thách thức mà khu vực sa mạc lạnh giá này đặt ra. Đất cát thiếu chất dinh dưỡng cũng là một vấn đề khác.
Để cung cấp đủ chất cho các loại cây mà mình muốn trồng, ông Negi đã bắt đầu xây dựng trang trại với khoảng 300 con dê Chigu và trộn phân của chúng với giun đất để tăng gấp đôi hàm lượng nitơ trong đất một cách hiệu quả.
Điều này còn giúp những hécta cỏ ba lá mà ông trồng quanh ốc đảo phát triển xanh tốt. Trước kia cỏ ba lá sẽ lụi dần khi có các loại cây mới mọc lên.
Chính khu vực trồng cỏ ba lá đã khắc phục được vấn đề mà ông Negi gặp phải lúc đầu là sự tấn công của các loài gặm nhấm. Những loài này sẽ đến ăn những cây ngon, vì vậy người nông dân phải trồng cỏ ba lá thuộc họ đậu xung quanh những cây trồng có giá trị hơn. Bởi vì thỏ rừng yêu cỏ ba lá nên khi có thừa mứa loại thực vật này, chúng không bận tâm đến các loại cây khác.
Từ khi bắt đầu công việc ở Himachal Pradesh, ông Negi đã dành toàn bộ số tiền của mình để thử nghiệm kết hợp các kỹ thuật canh tác địa phương với những phương pháp canh tác khoa học hơn. Đó là một quá trình tốn nhiều công sức, nhưng theo thời gian, tỷ lệ cây chết từ khoảng 85% giảm xuống chỉ còn 1%.
Sau khi chứng minh rằng các loại cây có giá trị như đậu tây, khoai tây, đậu xanh, táo và mơ có thể trồng được ngay cả trong môi trường sa mạc khắc nghiệt, cựu quan chức này bắt đầu tập trung vào cây xanh lâu năm, vì ông coi chúng là yếu tố cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu trong khu vực.
“Ưu tiên hàng đầu của tôi ở đây là trồng rừng. Cây keo giả được trồng nhiều nhất. Sau đó là cây dương liễu và cây mai dại. Đối với cây ăn quả và các loại cây trồng khác trong đó có đậu xanh, tôi trồng chỉ nhằm mục đích là mô hình mẫu để bà con nhân rộng,” ông Negi nói.
Chỉ với sự giúp đỡ của hai tình nguyện viên, ông Anand Dhawaj Negi đã biến một vùng sa mạc lạnh giá hơn 90ha thành một ốc đảo xanh, nhận được sự tán dương của cả người dân địa phương và các nhà khoa học.
Mọi người từ xa đến để chứng kiến điều kỳ diệu ngoài đời thực này, một số đến mua phân bón tự nhiên của Negi để tự trồng trọt và những người khác mang theo gia súc của họ để ăn cỏ ba lá, loại thức ăn gia súc được coi là tốt nhất trong vùng.
Đáng buồn thay, ông Anand Dhawaj Negi, người chữa lành cho sa mạc, đã qua đời vào tháng trước ở tuổi 74 do bị đột quỵ.
Ông sẽ được nhớ đến như một anh hùng địa phương và dự án ốc đảo xanh hy vọng sẽ được bảo tồn như một lời nhắc nhở rằng không gì là không thể.
Gia đình của Negi dự định sẽ tiếp tục công việc của ông, nhưng đã yêu cầu chính phủ có trách nhiệm với ốc đảo và giúp đỡ gia đình trong việc bảo tồn.
Virender Sappa Negi, vợ ông Negi, nói với trang tin The Better India: “Trước khi tạm biệt chúng tôi, ông ấy đã lên kế hoạch trồng một số cây thường xanh hoặc cây lá kim như cây thông và cây khử mùi. Chúng tôi muốn thực hiện những mong muốn cuối cùng này của ông ấy. Ngoài ra, chúng tôi muốn chính quyền bang phải có trách nhiệm về ốc đảo này để công việc của ông ấy có thể truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai.”
Anand Dhawaj Negi đã trở thành một trong số những huyền thoại Ấn Độ, những người đã cống hiến cả cuộc đời mình để trồng rừng như “Người Cây” của Uttarakhan hay Aditya và Poonam Singh./.