Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ vẫn là động lực kinh tế quan trọng

Với vị thế là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc được đánh giá là một trong những quốc gia quan trọng giúp thúc đẩy tiêu dùng cũng như quá trình toàn cầu hóa.
Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ vẫn là động lực kinh tế quan trọng ảnh 1Người dân mua thực phẩm tại cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa xã mới đây, người đứng đầu viện nghiên cứu Chatham House (có trụ sở tại London, Anh), Jim O'Neill, nhận định người tiêu dùng Trung Quốc sẽ vẫn là động lực cho nền kinh tế toàn cầu trong thập niên tới.

Theo ông O'Neill, với vị thế là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc được đánh giá là một trong những quốc gia quan trọng giúp thúc đẩy tiêu dùng cũng như quá trình toàn cầu hóa.

Trước những dự báo bi quan về kinh tế thế giới của các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), nhiều nhà kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu.

[Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới?]

Tuy nhiên, ông O'Neill cho rằng triển vọng suy giảm đã được dự báo trước, do đó không nên đưa ra những phản ứng “thái quá.” Theo nhà kinh tế này, chu kỳ kinh tế là một phần tất yếu trong cuộc sống và sự giảm tốc của nền kinh tế không thể phá hủy quá trình toàn cầu hóa.

Mặc dù các chỉ số mới đây của kinh tế Trung Quốc cho thấy những dấu hiệu về sự “nguội lạnh” trong hoạt động tiêu dùng, nhà kinh tế trưởng Zhu Haibin của công ty dịch vụ tài chính J.P. Morgan chi nhánh Trung Quốc vẫn lạc quan về tăng trưởng tiêu dùng của nước này.

Chuyên gia Zhu cho rằng việc tăng trưởng tiêu dùng chậm hơn trong năm 2018 là do doanh số bán ôtô yếu khi chỉ số này giảm tới 2,76% so với năm 2017 và là lần giảm đầu tiên trong hơn hai thập niên qua.

Ông Zhu nói rằng khi loại trừ doanh số bán ôtô, hoạt động tiêu dùng của Trung Quốc đã duy trì mức tăng ổn định, qua đó giúp ổn định tăng trưởng kinh tế trong năm 2018. Hoạt động tiêu dùng đã đóng góp 76,2% vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm ngoái của Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế Dinh Shuang của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng tiêu dùng sẽ vẫn là động lực lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc trong thập kỷ tới. Ông viện dẫn lý do rằng hoạt động tiêu dùng có tiềm năng lớn để tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn đầu tư trong bối cảnh xu hướng đô thị hóa, sự già hóa dân số và nhóm thu nhập trung bình ngày tăng đòi hỏi chất lượng hàng hóa và dịch vụ cũng phải cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.