Nguy cơ bùng phát thành dịch tay chân miệng tại Hậu Giang

Theo báo cáo của ngành y tế Hậu Giang, những ngày gần đây bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng tăng mạnh, với hàng chục ca mắc mới mỗi tuần.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Phương Vy/TTXVN)

Theo báo cáo của ngành y tế Hậu Giang, những ngày gần đây bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng tăng mạnh, với hàng chục ca mắc mới mỗi tuần, nguy cơ bùng phát thành dịch là rất cao, đang gây nhiều lo lắng cho ngành chức năng tỉnh này.

Qua ghi nhận, trong khoảng 7 ngày của cuối tháng 9 và đầu tháng 10, trên địa bàn có gần 40 ca mắc bệnh mới, tăng khoảng 10 ca so với tuần trước.

Hiện bệnh này đang có chiều hướng tăng mạnh và lan rộng khắp các địa bàn, với số ca mắc mới lây lan nhanh và mức độ bệnh nặng. Đến nay, bệnh tay chân miệng đã xuất hiện khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều là ở thành phố Vị Thanh, thị xã và các trung tâm huyện, thị trấn, trường học…, trong đó các địa phương có số ca mắc bệnh tăng nhiều so với cùng kỳ như thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp…

Theo nhận định của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thời tiết giao mùa hiện nay đang là điều kiện thuận lợi cho bệnh này bùng phát và lây lan nhanh. Đặc biệt, đối với Hậu Giang đang bước vào cuối mùa mưa, mùa lũ về, thời tiết lạnh, trong khi đó một bộ phần người dân, nhất là hộ dân ở nông thôn, hộ đồng bào dân tộc điều kiện sống còn thiếu thốn, việc ăn ở, giữ gìn vệ sinh chưa đảm bảo. Hơn nữa, còn nhiều người dân chưa quan tâm trong việc phòng chống bệnh này, khi phát hiện trẻ mắc bệnh chậm đưa đến cơ sở y tế điều trị.

Trước tình hình bệnh tăng nhanh gần đây, tỉnh Hậu Giang chỉ đạo ngành y tế tăng cường công tác dự báo, giám sát, tích cực phòng chống bệnh. Trước tiên, ngành y tế phối hợp với chính quyền các cấp nhanh chóng cập nhật đối tượng mắc bệnh, khoanh vùng khống chế bệnh; chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, con người, thuốc, hóa chất, vật tư, phòng cách ly trong khâu tiếp nhận và điều trị bệnh; khi phát hiện ổ bệnh cần xử lý nhanh, không để bệnh lây lan rộng.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần có ý thức giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa bệnh; đặc biệt đối các trường học, cơ sở nuôi giữ trẻ tập trung, các bậc phụ huynh cần quan tâm, theo dõi trẻ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời, hạn chế mức thấp nhất xảy ra bệnh nặng, đe dọa đến sức khỏe của trẻ.

Tính từ đầu năm đến ngày 3/11, trên điạ bàn tỉnh có hơn 480 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Mặc dù số ca giảm so với cùng kỳ, nhưng đang tặng mạnh trong những ngày qua, đặc biệt là số người mắc bệnh xảy ra rộng khắp địa bàn, có nguy cơ lây lan và bùng phát thành dịch là rất cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục