'Nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng vào quý 4 có thể không xảy ra'

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho rằng nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng trong quý 4 và đầu năm 2022 có thể không xảy ra vì doanh nghiệp chưa thể ồ ạt sản xuất.
(Ảnh minh hoạ: Danh Lam/TTXVN)

Lao động rời thành phố lớn, các khu công nghiệp về quê diễn ra liên tục từ tháng Bảy đến nay có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt sẽ bớt nghiêm trọng trong quý 4 và đầu năm 2022.

17,8% doanh nghiệp thiếu lao động

Theo Tổng Cục Thống kê, trong quý 3, nguồn cung lao động cho thị trường đã giảm do lao động quay trở về quê vì lo sợ dịch bệnh hoặc phải cách ly dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở nhiều doanh nghiệp.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê (Tổng Cục Thống kê) cho biết kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc trong số 22.764 doanh nghiệp thì có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động.

Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ với 30,6%, trong đó, những tỉnh thiếu hụt cao là Bình Dương (36,9%), Bình Phước (34,4%) và Thành phố Hồ Chí Minh là (31,8%).

Một số ngành có sự thiếu hụt nhiều lao động nhất là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (55,6%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (51,7%), sản xuất trang phục (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), ngành dệt (39,5%).

Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như thường thấy trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này.

[Thị trường lao động xác lập hàng loạt kỷ lục tiêu cực trong quý 3]

Trong quý 3, số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản là 18 triệu người, giảm 2,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy trước đây, chủ yếu là do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.

Khó thu hút lao động trở lại

Theo số liệu tổng hợp nhanh của Tổng Cục Thống kê, có khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch tính từ tháng Bảy đến ngày 15/9. Trong số này, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam.

Lực lượng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Gia Lai đưa công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Đánh giá nguy cơ thiếu hụt lao động trước tình trạng lao động ồ ạt về quê, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho rằng thiếu hụt lao động sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, phục hồi kinh tế nhưng nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng trong quý 4 và đầu năm 2022 có thể không xảy ra vì doanh nghiệp chưa thể ồ ạt sản xuất.

“Chúng ta đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế-xã hội giai đoạn tiếp theo một cách thận trọng, mở cửa dần dần. Như vậy các doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục thu hút lao động theo chính sách mở cửa của Nhà nước, tức là sản xuất đến đâu thì thu hút lao động đến đấy,” ông Nguyễn Trung Tiến nói.

Thống kê 930.000 người từ 15 tuổi trở lên đã trở về địa phương có khoảng 34% đang có việc làm, 38% mất việc, không tìm được việc làm do cách ly, giãn cách và số còn lại không có nhu cầu làm việc do e ngại dịch bệnh.

Để thu hút ngược lao động về lại trung tâm công nghiệp, thành phố lớn trong thời gian tới, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động nhận định đây sẽ là bài toán khá nan giải, bởi tâm lý lưỡng lự, nghi ngờ của người dân.

Theo ông Phạm Hoài Nam, trong thời gian qua chính sách phòng chống dịch của 63 tỉnh, thành khác nhau khiến người lao động e ngại. Tương tự, các doanh nghiệp cũng mong chờ chính quyền địa phương có kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể. Thực tế này đòi hỏi cần có giải pháp chống dịch đồng bộ giữa các địa phương, thống nhất từ trên xuống.

"Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động, các kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất," ông Nam cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục