Nhà hát truyền hình sẽ là hướng đi mới cho nghệ thuật biểu diễn 4.0

Nhà hát Tuồng Việt Nam và Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc là hai đơn vị được lựa chọn đầu tiên để triển khai hình thức Nhà hát truyền hình, Nhà hát online.
Nghệ thuật tuồng sẽ được đưa lên sân khấu truyền hình. (Ảnh minh họa: Kha Phạm/TTXVN)
Nghệ thuật tuồng sẽ được đưa lên sân khấu truyền hình. (Ảnh minh họa: Kha Phạm/TTXVN)

Trong vòng xoáy của đại dịch COVID-19, nghệ thuật biểu diễn là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các nhà hát phải đóng cửa, đời sống nghệ sỹ khó khăn đồng thời người dân cũng mất đi cơ hội thưởng thức các "món ăn tinh thần".

Từ khi dịch bùng phát vào năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lên kế hoạch tổ chức các sự kiện nghệ thuật dưới hình thức trực tuyến. Đến nay, dự án này đã chính thức đi vào thực tế. Cụ thể, các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ diễn vở tuồng “Trung thần” trong chuyên đề Nhà hát Truyền hình trên VTV1, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật “Những ngôi sao bất tử” nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ tại Nhà hát Lớn Hà Nội, phát sóng trực tiếp vào 20h ngày 27/7 trên VTV2.

Nghệ sỹ phấn khởi nhập cuộc

Vở diễn “Trung thần” do nghệ sỹ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng đã giành huy chương Bạc tại Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2019.

Vở diễn ca ngợi Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832), một trung thần nhà Nguyễn có nhiều công lao đóng góp cho đất nước. “Trung thần” ở đây không chỉ được hiểu theo nghĩa trung với vua mà còn là trung với sơn hà xã tắc, với lợi ích của nhân dân. Kịch bản mà tác giả Hoa Hạ viết vốn là của sân khấu cải lương, tác giả Từ Hải Thành đã chuyển thể và “đẩy” chất bi ai, trữ tình của cải lương sang chất bi hùng của tuồng cổ.

Do đó, khán giả sẽ có những cảm xúc tươi mới ở vở tuồng đậm tính thời sự, mang nét hiện đại từ cách viết, cách dựng và cả cách diễn của các “ngôi sao” sân khấu tuồng như nghệ sỹ ưu tú Lộc Huyền thể hiện vai bà Phận, vợ Tả quân Lê Văn Duyệt; nghệ sỹ Mạnh Linh vai Tả quân Lê Văn Duyệt; nghệ sỹ Tuấn Hiệp vai vua Minh Mạng; nghệ sỹ Ngọc Cường vai vị quan khai quốc công thần Nguyễn Văn Thành (1758-1817).

Quyền giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, nghệ sỹ ưu tú Lê Khánh Toàn, cho biết chương trình “Những ngôi sao bất tử” ngợi ca sự hy sinh của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sỹ và thương binh trong kháng chiến cứu nước. Vở diễn mang đậm chất trữ tình, lắng đọng, phần âm nhạc được phối khí hoàn toàn mới nhưng vẫn giữ được chất dân gian.

Nhà hát truyền hình sẽ là hướng đi mới cho nghệ thuật biểu diễn 4.0 ảnh 1Một chương trình của Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc năm 2020. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Hiện nay, lãnh đạo và nghệ sỹ của hai nhà hát đều cảm thấy vô cùng hào hứng khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn để “ra quân” trong kế hoạch phát sóng trên truyền hình.

Nghệ sỹ ưu tú Lộc Huyền chia sẻ: “Suốt thời gian dài nghỉ dịch, chúng tôi rất nhớ sân khấu và luôn khát khao được biểu diễn trở lại. Vì vậy, mặc dù chương trình biểu diễn sẽ không có khán giả nhưng ai cũng thấy hào hứng, hạnh phúc khi được đứng dưới ánh đèn sân khấu, được hát và sống với đam mê của mình.”

Nghệ sỹ cũng bày tỏ niềm tin rằng Nhà hát truyền hình sẽ tạo cho khán giả thói quen thưởng thức nghệ thuật và khi hết dịch, họ sẽ có nhu cầu đến sân khấu xem trực tiếp, từ đó đời sống nghệ thuật biểu diễn sẽ lại hoạt động sôi nổi.

Giải pháp 4.0 cho sân khấu

Gần hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn hầu như không có doanh thu. Lãnh đạo các nhà hát phải gồng mình lo cho các khoản chi trả nội bộ, vừa phải tìm hướng hoạt động để nghệ sỹ duy trì tiếp cận, tương tác với khán giả. Nhằm tháo gỡ những khó khăn của các đơn vị và bảo đảm an toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xây dựng kênh Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc vào năm 2020.

Nhà hát truyền hình sẽ là hướng đi mới cho nghệ thuật biểu diễn 4.0 ảnh 2Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. (Ảnh: Lệ Thủy/Vietnam+)

Hình thức phát trực tuyến này đã giúp nghệ sỹ và khán giả cả nước cùng cập nhật mọi thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp mà không cần phải tới xem trực tiếp.

Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), khẳng định rằng việc xây dựng và tổ chức Nhà hát truyền hình, Nhà hát online là rất cần thiết để đưa nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhân dân.

Cơ quan quản lý ngành sẽ chịu trách nhiệm về phần lựa chọn cung cấp những chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, phía các đài truyền hình sẽ chịu trách nhiệm biên tập, dàn dựng các chương trình nghệ thuật này để phát sóng.

Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nói thêm rằng kể cả khi điều kiện cho phép các hoạt động biểu diễn trực tiếp trở lại, việc tổ chức phát sóng chương trình trên truyền hình vẫn sẽ được duy trì.

“Các nhà hát sẽ làm song song cả online và diễn trực tiếp để xây dựng nhà hát trực tuyến trên mạng xã hội và truyền hình. Đây là xu hướng phát triển để nghệ thuật biểu diễn được quảng bá rộng rãi tới mọi đối tượng khán giả trong thời đại 4.0,” ông Dương cho hay.

[Nghệ sỹ quay cuồng tìm hướng đi mới trong đại dịch COVID-19]

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã làm việc với các nhà hát trực thuộc bộ và chọn ra những tác phẩm chất lượng để ghi hình, phát sóng trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và một số đài phát thanh truyền hình địa phương kể từ tháng 7.

Với thế mạnh của 12 nhà hát trực thuộc bộ, khán giả truyền hình sẽ được thưởng thức những vở diễn tiêu biểu của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau từ kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, múa rối, xiếc cho tới các thể loại ca múa nhạc dân gian và đương đại...

Ông Trần Hướng Dương cho rằng sân khấu truyền hình cũng đòi hỏi việc luyện tập, biểu diễn của các diễn viên phải bài bản, công phu, chỉn chu và đặt ra cho diễn viên cũng như cả êkíp hậu trường những thách thức, động lực để rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ diễn xuất, cập nhật ứng dụng khoa học công nghệ.

Có như vậy, hình thức này mới có thể trở thành giải pháp cho sân khấu trong thời đại 4.0. Và Nhà hát truyền hình, Nhà hát online sẽ tồn tại song song với nhà hát truyền thống, phục vụ cả hai đối tượng: Khán giả trực tiếp đến sân khấu và khán giả qua màn ảnh nhỏ,” ông Dương khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục