Thông tin từ Viện Văn hóa Việt Nam chiều 6/6 cho biết, sau một thời gian lâm bệnh nặng, giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh - một nhà khoa học nặng lòng với tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của Việt Nam đã từ trần vào sáng 6/6, hưởng thọ 77 tuổi.
Tang lễ giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh sẽ cử hành từ 9-10 giờ 45 phút ngày 8/6 (tức ngày 17/4 âm lịch) tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội.
Giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh sinh năm 1944, quê ở Hải Hậu, Nam Định. Ông được phong hàm Giáo sư năm 2002. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian (nay là Viện Văn hóa Việt Nam), sau nghỉ hưu ông thành lập Trung tâm Nghiên cứu chuyên sâu về đạo Mẫu. Ông giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam từ khi thành lập năm 2008.
Ông cũng là Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á. Năm 2017, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn hóa nghệ thuật.
Trong suốt cuộc đời cống hiến cho di sản văn hóa Việt, giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh được biết đến là một trong những chuyên gia hàng đầu về đạo Mẫu. Trong đó phải kể đến những công trình nghiên cứu như cuốn "Hát văn" xuất bản năm 1992 và bộ sách gồm 2 tập "Đạo Mẫu ở Việt Nam" được phát hành năm 1996.
[Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia]
Trong khoảng thời gian 10 năm lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh đã cho ra đời nhiều tác phẩm về đạo Mẫu, đơn cử như "Đạo Mẫu ở Việt Nam." Cuốn sách khẳng định ở Việt Nam đã và đang hình thành và định hình một tín ngưỡng thờ Mẫu (nữ thần) của mình, với những bản sắc rất riêng. Không những vậy, Đạo Mẫu Việt Nam đã trở thành một khái niệm khoa học thực sự.
Năm 2008, ông cũng cho ra đời cuốn chuyên luận "Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận." Cuốn sách nói về những tâm tư, nguyện vọng, những ẩn ức và cách thăng hoa của các ông bà đồng. Không chỉ đóng góp bằng các công trình nghiên cứu, ông còn kêu gọi tất cả mọi người cùng chung tay trả lại ý nghĩa đích thực của đạo Mẫu.
Ông đã tập hợp được các thanh đồng, giúp họ định hướng trên nguyên tắc họ là chủ thể của di sản, hướng họ vào một quỹ đạo. Ngoài ra, ông mạnh dạn đề xuất xin thành lập tổ chức về thờ Mẫu để khắc phục tình trạng tản mạn, vô tổ chức, buông lỏng quản lý.
Thông qua hình thức này mà nhiều tổ chức đã phát huy tính chủ động của cộng đồng tín hữu trong việc phát huy các giá trị đạo Mẫu, qua đó khắc phục tình hình lợi dụng trục lợi, biến dạng trong nghi lễ Hầu bóng.
Đặc biệt, việc UNESCO công nhận Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản Văn hóa Phi vật thể vào năm 2016 có phần đóng góp to lớn của giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhận xét: Giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh là một trong những nhà nghiên cứu đóng góp lớn trong quá trình để thế giới công nhận tín ngưỡng bản địa của người Việt. Những cống hiến của ông đã góp phần củng cố, chấn hưng và làm vinh quang văn hóa Việt Nam nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng cho nền văn học, nghệ thuật cách mạng của dân tộc trong thời kỳ hội nhập./.