Nhà sản xuất máy bay của châu Âu Airbus đã hoan nghênh thỏa thuận “đình chiến” giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương liên quan đến trợ cấp chính phủ cho hai nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus.
Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 15/6, Giám đốc Thương mại của Airbus Christian Scherer cho biết: “Từ phương diện của Airbus, chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh thỏa thuận đó.”
Ông Scherer nhấn mạnh bất cứ điều gì tạo một sân chơi công bằng trong ngành có tính cạnh tranh cao này và tránh được sự đối đầu tồi tệ về thuế quan mà không bên nào thắng đều là tin tốt.
[EU và Mỹ tiếp tục tạm ngừng áp thuế liên quan tranh cãi Airbus-Boeing]
Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết EU và Mỹ đã đi đến một thỏa thuận tạm ngừng áp thuế trả đũa liên quan đến cuộc tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing trong 5 năm.
Bà Katherine Tai cho biết Washington có thể tái áp đặt thuế trừng phạt nếu các công ty Mỹ không thể “cạnh tranh công bằng” với các công ty châu Âu. Thỏa thuận này được cho là đánh dấu thắng lợi về mặt ngoại giao trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Brussels.
Hồi tháng Ba vừa qua, EU và Mỹ cũng đã nhất trí tạm ngừng trong vòng bốn tháng việc áp thuế trả đũa lẫn nhau liên quan đến vấn đề trợ cấp cho Airbus và Boeing.
Việc đình chỉ kéo dài đến ngày 10/7 tới, với thuế quan được áp dụng lại vào ngày 11/7, nếu hai bên không đưa ra được giải pháp nào.
Do mâu thuẫn thương mại về trợ cấp của chính phủ dành cho hai hãng đối thủ sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing, EU và Mỹ liên tục tung ra các biểu thuế quan nhằm trừng phạt lẫn nhau.
Tháng 3/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã áp thuế 25% đối với sản phẩm thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico.
Đáp trả, EU đã thông qua quy định áp thuế đối với 3,2 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong đó có việc đánh thuế 25% đối với rượu whisky của Mỹ.
Ngoài vấn đề Airbus-Boeing, hiện hai bên còn đang tranh cãi về việc Pháp, Tây Ban Nha cùng một số nước EU áp thuế kỹ thuật số đối với các hãng công nghệ lớn của Mỹ./.