Giữa bối cảnh các trục thương mại thế giới đang trải qua nhiều biến động, những cuộc đàm phán kéo dài chưa có hồi kết đang khiến giới đầu tư chán nản. Trong khi đó, bức tranh tăng trưởng kinh tế vĩ mô ảm đạm cũng làm giới chuyên gia lo lắng.
Thị trường mới nổi: Nơi trú ẩn an toàn?
Trong 18 tháng qua, đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục diễn biến trồi sụt, tạo ra nhiều dấu hiệu bất ổn cho thị trường. Chính vì vậy, mặc dù tiến trình đàm phán này dự kiến sẽ được nối lại vào tháng này tại Washington, song nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra không mấy hy vọng.
Mới đây nhất, trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tuần trước, Tổng thống Donald Trump thậm chí còn phê phán các hoạt động thương mại của Trung Quốc và khẳng định Bắc Kinh đã thất bại trong việc “áp dụng những cải cách đã cam kết.”
Trên chính trường Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng đang gặp nhiều khó khăn với các thủ tục luận tội của đảng Dân chủ. Nếu việc luận tội ảnh hưởng tiêu cực đến Tổng thống, các cuộc đàm phán thương mại cùng những vấn đề gai góc hơn như vai trò của gã khổng lồ công nghệ Huawei (Trung Quốc) cũng khó đạt thêm bất kỳ tiến bộ nào.
Trong bối cảnh bất ổn về thương mại và chính trị đang khiến các thị trường tài chính trải qua nhiều xáo động, giới đầu tư buộc phải đưa ra những cân nhắc dài hạn về danh mục đầu tư của mình. Và việc đổ vốn vào các thị trường chứng khoán mới nổi, thay vì những thị trường đang tăng trưởng tốt, sẽ là một trong những yếu tố mà họ sẽ cân nhắc.
Nếu so sánh chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi (MSCI EM Index) và chỉ số S&P 500, có thể thấy rằng trong khi nhóm cổ phiếu Mỹ đã tăng gấp đôi giá trị kể từ giai đoạn giữa năm 2007, MSCI vẫn không thay đổi nhiều.
Tuy nhiên, hy vọng về sự thu hẹp khoảng cách giữa hai nhóm cổ phiếu này đã được thắp lên sau khi tập đoàn đầu tư có trụ sở tại Boston là GMO công bố bản cập nhật dự báo lợi nhuận các loại tài sản lớn. Theo đó, nhóm cổ phiếu thị trường mới nổi được cho là sẽ mang lại lợi nhuận thực tế dự kiến 10%/năm trong vòng 7 năm tới. Cùng với đó, lợi nhuận thực tế của các công ty hoạt động trong thị trường mới nổi sẽ là khoảng 5,3% (sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát).
Ở chiều ngược lại, cũng trong khoảng thời gian này, GMO cho rằng các nhóm cổ phiếu lớn của Mỹ sẽ phải đối mặt với khoảng thời gian khó khăn hơn khi lợi nhuận dự kiến sẽ là âm 3,3%, thay vì mức 6,5% được duy trì trong suốt thời gian qua.
Ngoài ra, việc các nền kinh tế đang phát triển vẫn còn nhiều khoảng trống để điều chỉnh lãi suất và áp dụng các biện pháp kích thích tài khóa cũng là yếu tố khiến giới đầu tư “để mắt” đến khu vực này.
Báo cáo của GMO đánh giá các thị trường chứng khoán mới nổi, cùng những thị trường như Nhật Bản và châu Âu về dài hạn sẽ ghi nhận nhiều diễn biến tích cực hơn Mỹ.
Trong khi đó, thể trạng lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng đang hoạt động tại các thị trường mới nổi, sẽ là một cân nhắc quan trọng của các nhà đầu tư trong thập kỷ tới.
Sở dĩ có điều này là bởi vì các chỉ số chứng khoán Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) hiện chiếm hơn 50% giá trị của MSCI EM Index. Trong đó, giá trị cổ phiếu của các công ty tài chính tại đây cũng chiếm phần lớn nhất, gần 1/3, chủ yếu là các ngân hàng Trung Quốc.
Những điều cần lưu ý
Mặc dù vậy, bên cạnh những lợi thế nhãn tiền, giới đầu tư cũng đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của những cải cách kinh tế theo hướng bền vững, kết hợp với các biện pháp kích thích kinh tế đang được thực hiện tại các nền kinh tế mới nổi. Ngoài ra, sự yếu thế của các đồng nội tệ cũng là nguyên nhân khiến nhiều quốc gia mới nổi có những khoản nợ khổng lồ bằng đồng USD.
Hiện đã xuất hiện các dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng thị trường kéo dài nhiều tháng qua đang bắt đầu ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi. Ông Murat Ulgen, Trưởng nhóm nghiên cứu thị trường mới nổi toàn cầu tại ngân hàng HSBC, cho biết trong một môi trường mà đồng USD tiếp tục mạnh lên, điều này sẽ khiến các điều kiện tài chính quốc tế của các thị trường mới nổi bị thắt chặt, nhất là đối với những nền kinh tế đang trải qua tình trạng thâm hụt.
Vào thời điểm này, các báo cáo kinh tế từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Đức đều cho thấy gánh nặng hiện nay không chỉ phát sinh từ việc chi phí gia tăng khi các hoạt động thương mại yếu hơn, mà còn là những hậu quả của việc nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc tăng chậm lại. Các chuyên gia cho rằng những nỗ lực nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh trong năm nay vẫn chưa đủ để "bù đắp" các lực cản trong lĩnh vực tài chính./.