Nhân tố kinh tế trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Cùng với tầm quan trọng về an ninh hàng hải và sự phối hợp quân sự lớn hơn giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, tầm nhìn "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" còn dựa trên nền tảng kinh tế.
Nhân tố kinh tế trong tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Nhật Bản đã tài trợ dự án đường sắt cao tốc Ahmedabad-Mumbai cho Ấn Độ. (Nguồn: India.com)

Theo trang mạng chinausfocus.com, trong năm qua, quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi một cách đáng kể, khi hai nước bị cuốn vào một cuộc chiến tranh thương mại vừa nhen nhóm, căng thẳng gia tăng ở Eo biển Đài Loan, và sự cạnh tranh chiến lược vẫn âm ỉ.

Thật vậy, những căng thẳng Mỹ-Trung và sự củng cố quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình đã đẩy chiến dịch tranh cử của chính quyền Bắc Kinh tới chỗ phải tạm thời giải quyết các mối quan hệ với những nước lớn trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Cùng thời điểm đó, sự hay thay đổi trong chương trình nghị sự kinh tế của ông Trump, bị ám ảnh bởi việc điều chỉnh thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ với các nước đồng minh cũng như các đối thủ cạnh tranh, đã khiến các đối tác của Trung Quốc quay sang thỏa thuận song phương với Bắc Kinh nhằm bảo vệ các chỉ số kinh tế toàn cầu. Ví dụ, mức thuế 20-25% mà ông Trump đe dọa áp với ôtô và linh kiện nhập khẩu sẽ giáng một đòn lớn vào ngành xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản.

Vì những lý do trên, sau 8 năm gián đoạn, Nhật Bản và Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua đã tổ chức một cuộc đối thoại kinh tế, trong đó các đại diện của chính phủ hai nước đã nhắc lại lợi ích của việc hợp tác đôi bên cùng có lợi và ưu tiên của họ đối với dòng chảy tự do thương mại và đầu tư, dựa trên một hệ thống kinh tế quốc tế mở, lấy Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm trung tâm.

Những cuộc hội thảo mới đây ở Tokyo cho thấy Trung Quốc đã đẩy nhanh việc chuẩn bị cho Đối thoại Kinh tế cấp cao, cuộc gặp ba bên Nhật-Hàn-Trung và chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Tuy nhiên, đáng chú ý là Thủ tướng Abe Shinzo từ năm ngoái cũng đã tỏ ra sẵn sàng hợp tác với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Tập Cận Bình, đặc biệt trong việc hỗ trợ các công ty liên doanh tư nhân Trung-Nhật hoạt động ở Đông Nam Á. Nhật Bản cũng đang ngăn chặn, ở một mức độ nào đó, những rủi ro mà chính quyền Trump có thể mang lại.

Cùng với tầm quan trọng về an ninh hàng hải và sự phối hợp quân sự lớn hơn giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, tầm nhìn "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" còn dựa trên nền tảng kinh tế.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần 26.000 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng từ năm 2016 đến năm 2030.

Chính phủ Nhật Bản là động lực ngay từ đầu của khả năng kết nối thông qua các khoản tài trợ và cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao trong khu vực. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tham gia sân chơi thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường" đã thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản dành một phần lớn nguồn lực vào đầu tư cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, thông qua các cơ quan của họ hoặc ADB.

Ông Abe đã đều đặn tăng ngân sách tài trợ của Nhật Bản cho cơ sở hạ tầng khu vực, tăng gấp đôi cam kết trước đó của ông dành cho đầu tư trị giá 110 tỷ USD và cấp thêm 50 tỷ USD cho ADB.

Những khoản tiền này sẽ cho phép Nhật Bản duy trì một mức độ đòn bẩy chính trị đối với các nước nhận viện trợ, đặc biệt là những nước láng giềng lân cận.

Ví dụ, Ấn Độ là nước nhận viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Nhật Bản, biến Nhật Bản thành nhà tài trợ song phương lớn nhất của Ấn Độ. Điều thú vị là, sự cạnh tranh cơ sở hạ tầng Trung-Nhật đã mang lại lợi thế cho các nhà lãnh đạo địa phương, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Ví dụ, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khôn khéo lợi dụng các cam kết kinh tế của Trung Quốc để "moi" tiền của Nhật Bản. Năm 2017, Abe đã cam kết viện trợ cho Philippines 9 tỷ USD trong vòng 5 năm, với những dự án đáp ứng nhu cầu phát triển của thành trì của Tổng thống Philippines ở Mindanao.

Việc Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng là nhằm mục đích "bắn một mũi tên trúng hai đích": hạn chế sự xâm nhập tài chính của đối thủ chính trị trong khu vực, đồng thời hỗ trợ các ngành công nghiệp của mình ở nước ngoài.

Tuy nhiên, không rõ liệu kết quả thu về từ đầu tư nước ngoài của chính phủ có bền vững về mặt kinh tế đối với Trung Quốc, và ở một mức độ thấp hơn là Nhật Bản, hay không. Xét cho cùng, một vài dự án này đã bị phủ bóng đen bởi những cân nhắc chính trị.

Dự án đường sắt cao tốc Ahmedabad-Mumbai do Nhật Bản tài trợ là một trường hợp điển hình: quy mô của khoản vay ODA bằng đồng yen mạnh cho riêng dự án đó - 13 tỷ USD - chiếm gần 1/3 lượng ODA mà Nhật Bản cam kết dành cho Ấn Độ từ năm 1958 (39 tỷ USD), và hơn một nửa số vốn ODA mà Nhật Bản dành cho Trung Quốc (30 tỷ USD) từ năm 1979 đến 2013, mặc dù những con số này cần được điều chỉnh do lạm pháp.

Mới đây nhất, Mỹ đã khuếch trương sự tham gia về mặt kinh tế của họ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sau khi Ngoại trưởng Mỹ công bố gói đầu tư trị giá 113 triệu USD (một con số không gây ấn tượng) cho khu vực, các đại diện của Chính phủ Australia và các ngân hàng chính sách của Nhật Bản và Mỹ đã ra mắt một quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng đối tác 3 bên trong khu vực.

Ngân hàng Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản (JBIC) và Cơ quan Quản lý Đầu tư tư nhân ở nước ngoài của Mỹ (OPIC) sẽ phối hợp cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng. Một chi nhánh đại diện của OPIC sẽ đặt trụ sở ở Tokyo cho mục đích này.

[Nguyên nhân khiến Trung Quốc "đảo chiều" quan hệ với Nhật Bản]

Cuối cùng, Mỹ đang triển khai thành lập một "OPIC lớn" để tăng hơn gấp đôi ngân sách lên 60 tỷ USD, từ đó cho phép ngân hàng chính sách mới của Mỹ hợp tác chặt chẽ với JBIC và ngân sách của họ vào khoảng 100 tỷ USD.

Tuy nhiên, những sáng kiến này tất cả mới đang ở thời kỳ phôi thai và vẫn được cân nhắc xem liệu có hiệu quả hay không. Ở giai đoạn này, sự hiện diện của Ấn Độ trong những nỗ lực đa phương cần được hiểu như sự hỗ trợ (ví dụ như trong sáng kiến Hành lang tăng trưởng Á-Phi của Nhật Bản và Ấn Độ); Ấn Độ rõ ràng là một nước nhận viện trợ ròng từ chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật Bản và Mỹ.

Thứ hai, chính quyền Trump được cho là đang tập trung hơn vào xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính, trong khi Nhật Bản sẽ lập một quỹ thịnh vượng không giới hạn để đầu tư vào Mỹ. Tổng thống Trump quan tâm nhiều hơn đến việc đạt được những nhượng bộ về thương mại và không chắc sẽ đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại tự do táo bạo cũng nhằm bảo vệ các nền kinh tế cỡ trung bình khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Các "kiềng" kinh tế của tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn còn lung lay và chúng ta sẽ phải chờ một thời gian để Mỹ, Nhật Bản và các nước được cho là có cùng mục đích nhất trí hành động đến cùng để thúc đẩy hợp tác kinh tế đa phương hiệu quả ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.