Nhật Bản chính thức hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến

Trong số danh mục hạn chế có thiết bị sản xuất in thạch bản cực tím và máy khắc xếp chồng bộ nhớ ba chiều - những thiết bị được sử dụng trong sản xuất chip logic hiệu suất cao tiên tiến.
Nhật Bản chính thức hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Nikkei Asia)

Các biện pháp hạn chế của Nhật Bản đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến đã chính thức có hiệu lực từ ngày 23/7.

Trước đó, vào cuối tháng 5, Chính phủ Nhật Bản đã bổ sung 23 mặt hàng bán dẫn, gồm cả thiết bị sản xuất chip tiên tiến vào danh sách quản lý xuất khẩu.

Theo Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương, các loại vũ khí và hàng hóa có thể chuyển đổi sang ứng dụng quân sự chịu sự quản lý xuất khẩu của chính phủ, buộc phải có sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước này trước khi xuất khẩu.

23 mặt hàng bổ sung vào danh sách yêu cầu có giấy phép riêng lẻ, trừ trường hợp xuất sang 42 quốc gia và vùng lãnh thổ được xác định là “thân thiện.”

[Nhật Bản: Tập đoàn JIC mua lại JSR nhằm củng cố chuỗi cung ứng chip]

Trong số danh mục hạn chế lần này có thiết bị sản xuất in thạch bản cực tím và máy khắc xếp chồng bộ nhớ ba chiều. Đây là những thiết bị được sử dụng trong sản xuất chip logic hiệu suất cao tiên tiến có kích cỡ nhỏ hơn 14 nanomet.

Khoảng 10 công ty Nhật Bản tham gia sản xuất các thiết bị trên có khả năng bị ảnh hưởng do các quy định trên. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công nghiệp nước này Yasutoshi Nishimura, tác động của những quy định này đối với các công ty trong nước có thể sẽ không nghiêm trọng do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chỉ nhắm vào loại công nghệ "cực kỳ tiên tiến."

Mỹ đang triển khai nỗ lực thắt chặt xuất khẩu sang Trung quốc chất bán dẫn tiên tiến dùng cho siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo.

Washington đã kêu gọi Nhật Bản và Hà Lan, các quốc gia bán dẫn hàng đầu, thực hiện những biện pháp tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.