Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp chế tạo tại Việt Nam

Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và có xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp chế tạo.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng như sự ổn định về chính trị, xã hội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng như sự ổn định về chính trị, xã hội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và có xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp chế tạo.

Đây là thông tin được Văn phòng Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh (JETRO-HCM) công bố tại buổi họp báo thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 4/3.

Năm 2018, Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam lớn nhất với tổng vốn đăng ký gần 8 tỷ USD, chiếm 31% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Đặc biệt, đầu tư vào ngành chế tạo có xu hướng phục hồi mạnh sau nhiều năm liên tục giảm. Cụ thể, số vốn đầu tư vào công nghiệp chế tạo năm 2018 đã tăng gấp 3,6 lần so với năm 2017, đạt 1,676 tỷ USD.

Một số dự án như nhà máy sản xuất bìa carton, nhà máy sản xuất phanh xe hơi hay nhà máy sản xuất môtơ cho máy điều hòa là những dự án có quy mô vừa và lớn được cấp phép đầu tư trong năm 2018.

[Chuyên gia Nhật: CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngoại thương Việt Nam]

Lý giải xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, ông Takimoto Koji, Trưởng văn phòng JETRO–HCM cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng như sự ổn định về chính trị, xã hội.

Bên cạnh đó, nhờ thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, tỷ lệ cung ứng nội địa của Việt Nam cũng có sự cải thiện tích cực qua từng năm.

Theo ông Takimoto Koji, trong năm 2019, công nghiệp chế tạo vẫn là lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, dịch vụ và đầu tư gián tiếp cũng có xu hướng tăng lên.

Trung bình, mỗi năm văn phòng JETRO-HCM tiếp nhận khoảng 6.000 lượt doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, trong số đó, có nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng cung cấp dịch vụ; một số công ty hoạt động trong lĩnh vực dược, làm đẹp của Nhật Bản cũng đầu tư thông qua mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam với hơn 90 triệu dân, thu nhập ngày càng được cải thiện là thị trường tiêu thụ có quy mô lớn và khả năng tăng trưởng cao. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp Nhật Bản trước đây chuyên sản xuất xuất khẩu cũng đang có xu hướng khai thác thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam.

Theo khảo sát của JETRO, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp số dự án đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam tăng và đạt kỷ lục 630 dự án.

Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam tăng, đạt mức 70%.

Tuy nhiên doanh nghiệp Nhật Bản vẫn cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, minh bạch thông tin cũng như cơ chế vận hành để thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.