Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Anh sau 23 năm

Nhật Bản vừa quyết định dỡ bỏ lệnh cấp nhập khẩu bò từ nước Anh sau 23 năm ngay trước thềm chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Vương quốc Anh.
Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Anh sau 23 năm ảnh 1Thịt bò được bày bán tại chợ ở Đông Nam London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhật Bản vừa quyết định dỡ bỏ lệnh cấp nhập khẩu bò từ nước Anh sau 23 năm ngay trước thềm chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Vương quốc Anh, bắt đầu từ ngày 10/1.

Quyết định trên được coi như món quà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đem đến cho Thủ tướng Theresa May trong bối cảnh nước Anh sắp rời Liên minh châu Âu (EU).

Theo quyết định mới, Tokyo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu bò Anh mà Nhật Bản áp dụng từ năm 1996 sau khi phát hiện bò ở Xứ sở Sương mù mắc chứng viêm não thể bọt biển BSE hay còn gọi là "bò điên" gây chết người.

[Phát hiện mới về nguy cơ lây nhiễm bệnh ''bò điên'' ở người]

Tuy nhiên lệnh cấm nhập vẫn áp dụng đối với bò cái hơn 30 tháng tuổi của nước Anh và một số bộ phận của bò được cho có nguy cơ cao gây truyền virus BSE. Nhật Bản cũng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cừu từ nước Anh.

Theo ước tính của Văn phòng Chính phủ Anh, tổng giá trị xuất khẩu thịt bò và cừu của nước Anh sang Nhật Bản có thể lên tới 127 triệu bảng Anh trong 5 năm tới.

EU đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập bò Anh năm 2006 và Trung Quốc đã dỡ lệnh cấm tương tự này vào năm 2018.

Liên quan đến vấn đề thỏa thuận Brexit, Thủ tướng Abe cho biết thế giới đang quan sát việc nước Anh rời EU và trong cuộc hội đàm với Thủ tướng May, ông sẽ nói về quan điểm của Chính phủ Nhật Bản đối với vấn đề Brexit. Ông Abe dự kiến sẽ trao đổi với Thủ tướng May về mức độ rủi ro nếu xảy ra kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Thỏa thuận tự do thương mại mới đây giữa EU và Nhật Bản đã nhất trí sẽ cắt giảm mức thuế của Nhật Bản đối với thịt bò từ EU từ 38,5% xuống còn 9% trong vòng 15 năm tới. Điều này sẽ tạo ra cơ hội xuất khẩu thịt bò vô cùng lớn cho nông dân Anh nếu như nước Anh cũng đạt được thỏa thuận cùng điều khoản như vậy với Nhật Bản khi Vương quốc Anh rời EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.