Nhật Bản thâm hụt thương mại hơn 5 tỷ USD trong tháng 5

Thâm hụt thương mại hàng hóa của Nhật Bản trong tháng 5 lên tới 578,3 tỷ yen (tương đương 5,2 tỷ USD), chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu dầu thô và máy bay tăng.
Nhật Bản thâm hụt thương mại hơn 5 tỷ USD trong tháng 5 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Thâm hụt thương mại hàng hóa của Nhật Bản trong tháng 5 lên tới 578,3 tỷ yen (tương đương 5,2 tỷ USD), chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu dầu thô và máy bay tăng.

Đây là mức thâm hụt đầu tiên sau 2 tháng liên tiếp Nhật Bản ghi nhận thặng dư thương mại. 

Theo báo cáo của Bộ Tài Chính Nhật Bản, thâm hụt thương mại trong tháng 5 tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù xuất khẩu ô tô và các phụ tùng điện tử tăng. Cụ thể, nhập khẩu tăng 14% lên 6.900 tỷ yen, trong khi xuất khẩu tăng 8,1% lên 6.320 tỷ yen.

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng, kim ngạch nhập khẩu dầu thô Nhật Bản tăng tháng thứ 18 liên tiếp, với mức tăng 28,6 % so với tháng trước đó, lên 679,4 tỷ yen.

[Kinh tế Nhật Bản sụt giảm sau tám quý tăng trưởng liên tiếp]

Xét các khu vực, Nhật Bản đạt thặng dư thương mại với Mỹ và châu Á, trong khi thâm hụt với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, thặng dư thương mại với Mỹ trong tháng 5 ở mức 340,7 tỷ yen, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái do nhập khẩu máy bay và máy móc tăng mạnh.

Thâm hụt với Trung Quốc ở mức 280,2 tỷ yên trong bối cảnh nhập khẩu quần áo và kim loại dùng cho chế tạo tàu biển tăng.

Tuy nhiên, mức thâm hụt này đã giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do xuất khẩu thiết bị sản xuất màn hình lỏng của TV và điện thoại di động tiếp tục tăng mạnh. Với toàn khu vực châu Á, Nhật Bản đạt thặng dư thương mại 345.9 tỷ yen, tăng 13,2 %.

Với EU, dù các nhãn hiệu xe ôtô Nhật Bản ngày càng được các đối tác châu Âu ưa chuộng, nhưng nhập khẩu các phụ tùng máy bay từ Đức đã đưa cán cân thương mại tháng 5 nghiêng về phía EU khiến Nhật Bản chịu mức thâm hụt tăng gấp 3 lần, lên 123,8 tỷ yen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.