Nhật Bản: Thâm hụt thương mại tăng 14,4% do đồng yen suy yếu

Thâm hụt thương mại Nhật Bản trong nửa đầu tài khóa 2024 đã tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.110 tỷ yen (20,8 tỷ USD), trong bối cảnh đồng yen yếu làm tăng chi phí nhập khẩu.

Cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 17/10, dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy thâm hụt thương mại nước này trong nửa đầu tài khóa 2024 đã tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.110 tỷ yen (20,8 tỷ USD), trong bối cảnh đồng yen yếu làm tăng chi phí nhập khẩu.

Cụ thể, xuất khẩu tăng 6,6% lên 53.550 tỷ yen (358 tỷ USD), chủ yếu là do nhu cầu mạnh đối với các sản phẩm liên quan đến thiết bị bán dẫn. Nhập khẩu cũng tăng 7% lên 56.660 tỷ yen (379 tỷ USD), nhờ nhu cầu về các sản phẩm máy tính và dược phẩm từ Mỹ.

Xét theo thị trường, Nhật Bản đã đạt thặng dư thương mại với Mỹ ở mức 4.300 tỷ yen (28,7 tỷ USD), trong khi thâm hụt với Trung Quốc khoảng 3.060 tỷ yen (20,4 tỷ USD).

Việc đồng yen mất giá so với đồng USD đã làm tăng chi phí nhập khẩu của Nhật Bản, quốc gia vốn khan hiếm tài nguyên, nhưng cũng đồng thời làm tăng lợi nhuận ở nước ngoài của các nhà xuất khẩu Nhật Bản khi chuyển đổi tiền tệ.

Chỉ riêng trong tháng Chín, Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại 294,3 tỷ yen (1,9 tỷ USD), đánh dấu tháng thâm hụt thứ ba liên tiếp.

Xuất khẩu trong tháng Chín giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 9.040 tỷ yen (60,4 tỷ USD), trong khi nhập khẩu tăng 2,1% lên 9.330 tỷ yen (62,4 tỷ USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.