Với mục tiêu mở rộng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, Chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập một tổ chức gồm các nhà sản xuất và phân phối thống nhất đối với từng mặt hàng, đồng thời sửa đổi luật để tạo điều kiện cho họ mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đã xác định một chiến lược mới với mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm nước này lên 5.000 tỷ yen (khoảng 46 tỷ USD) vào năm 2030.
Tuy nhiên, nỗ lực riêng lẻ của từng nhà sản xuất và nhà phân phối như hiện nay là chưa đủ để có thể hoàn thành được mục tiêu này.
[Kinh tế Nhật Bản và nhiều nước châu Âu ghi nhận tín hiệu tích cực]
Do đó, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ thành lập một tổ chức thống nhất các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và bán hàng cho từng mặt hàng cụ thể như gạo, thịt bò…
Tổ chức này sẽ có nhiệm vụ nâng cao năng lực quảng bá sản phẩm và khai thác thị trường xuất khẩu ở nước ngoài, thông qua việc đặt ra tiêu chuẩn đối với mỗi mặt hàng cụ thể và điều tra mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính để bảo trì các cơ sở vật chất cần thiết cho xuất khẩu như tủ bảo ôn, đồng thời sửa đổi một số điều luật hiện hành để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chiến lược mới nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào việc phục hồi nền kinh tế vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, cũng như mở rộng diện bao phủ của thương hiệu Nhật Bản trên phạm vi toàn thế giới./.