Chỉ vài tuần trước, một số du khách đã phàn nàn rằng khu vực lướt sóng nổi tiếng của bãi biển Kuta trên đảo Bali (Indonesia) vẫn còn quá đông đúc.
Giờ đây, khu vực này đã trở nên hoang vắng khi chính quyền địa phương chỉ đạo đóng cửa bãi biển này trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bức tranh ảm đạm ở Bali cũng tương tự những địa điểm du lịch hàng đầu ở châu Á-Thái Bình Dương như bãi biển Bondi ở Sydney (Australia) hay Phuket (Thái Lan).
Tại thành phố Sydney, lệnh cấm tụ tập từ hai người trở lên cũng đã buộc giới chức địa phương đóng cửa bãi biển Bondi tới qua cả lễ Phục sinh sau khi hàng nghìn người coi thường quy định giãn cách xã hội để ra biển vui chơi.
Trong khi đó, tại bãi biển Manly ở ngoại ô thành phố Sydney, người dân được phép tập thể dục song không được bơi lội. Người dân Australia được yêu cầu ở trong nhà hoặc phải đối mặt với những hình phạt nếu không tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh, dù tốc độ lây lan dịch có xu hướng chậm lại. Tính tới ngày 10/4, Australia đã ghi nhận 6.152 ca mắc COVID-19, trong đó có 53 ca tử vong.
[Thái Lan: Phuket là tỉnh đầu tiên áp dụng lệnh phong tỏa chống dịch]
Tại đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Phuket của Thái Lan, đại dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch mang tính sống còn tại địa phương này. Đây là hòn đảo nổi tiếng nhất Thái Lan thu hút 9,89 triệu lượt khách du lịch vào năm 2019.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, hiện Phuket đã trở thành khu vực có mật độ nhiễm virus SARS-CoV-2 trung bình cao nhất Thái Lan khi cứ 100.000 người lại có 34 người nhiễm virus.
Tình hình dịch bệnh đã buộc chính quyền địa phương tuyên bố phong tỏa toàn bộ tỉnh Phuket, bắt đầu từ 13/4 và kéo dài ít nhất một tháng. Cho tới nay, Thái Lan đã ghi nhận ít nhất 2.473 ca mắc COVID-19 và 33 trường hợp không qua khỏi.
Khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, đại dịch COVID-19 đã lan rộng ra khắp thế giới, cướp đi sinh mạng của gần 100.000 người và làm hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh./.