Nhiều cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa thể mở cửa

Đến thời điểm này, Lạng Sơn vẫn chỉ có 2 cửa khẩu phụ đang hoạt động thông quan xuất nhập khẩu là Tân Thanh và Cốc Nam; còn các cửa khẩu phụ khác trên tuyến biên giới vẫn chưa hoạt động trở lại. .
Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Phạm Hậu/ TTXVN)
Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Phạm Hậu/ TTXVN)

Ngày 26/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp xem xét tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ trên địa bàn.

Đến thời điểm này, Lạng Sơn vẫn chỉ có 2 cửa khẩu phụ đang hoạt động thông quan xuất nhập khẩu là Tân Thanh và Cốc Nam.

Cửa khẩu Bình Nghi hoạt động từ ngày 11/3 đến ngày 6/4 vừa qua, phía Trung Quốc tạm dừng; các cửa khẩu phụ khác trên tuyến biên giới vẫn chưa hoạt động trở lại.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn phối hợp với các sở, ban, ngành cùng chính quyền các huyện biên giới tăng cường, chủ động trao đổi thông tin với chính quyền và các lực lượng chức năng phía Trung Quốc để nhanh chóng mở lại cửa khẩu phụ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Cùng đó, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trao đổi hội đàm với Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường của Trung Quốc để sớm chấm dứt hoạt động của đội lái xe chuyên trách.

Sở Y tế nghiên cứu, tham mưu đề xuất Bộ Y tế xem xét điều chỉnh việc hướng dẫn kiểm dịch y tế biên giới phòng chống COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa cho phù hợp với giai đoạn hiện nay; trong đó có quy định về mặc quần áo bảo hộ y tế.

[Lạng Sơn gỡ khó cho dự án Khu trung chuyển hàng hóa tập trung]

Các sở, ngành liên quan tiếp tục chủ động phân luồng, điều tiết phương tiện tại cửa khẩu để đảm bảo thông quan hàng hóa thuận lợi, nhất là mặt hàng vải thiều; chủ động nắm bắt nhu cầu xuất khẩu để kịp thời khuyến cáo các địa phương trong việc đưa hàng lên cửa khẩu.

Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Phan Hồng Tiến cho biết tại Cửa khẩu phụ Tân Thanh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến ngày 24/5 vừa qua đạt 120,6 triệu USD, giảm 44,9% so với cùng kỳ ngoái; trong đó, xuất khẩu 90 triệu USD, nhập khẩu 30,6 triệu USD. Tổng lượng xe xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay khoảng trên 20.000 lượt.

Từ ngày 1/5 vừa qua, phía Trung Quốc tăng thời gian thông quan hàng hóa từ 5 giờ/ngày lên 7 giờ/ngày và thông quan bình thường vào thứ Bảy, Chủ Nhật và dịp lễ Tết. Do vậy năng lực thông quan đã được cải thiện so với thời gian trước, tăng từ 50-70 xe/ngày lên 80-100 xe/ngày.

Tuy nhiên, năng lực giải phóng hàng hóa tại cửa khẩu phía Trung Quốc vẫn rất hạn chế nên lượng xe tồn tại khu vực Pò Chài, Trung Quốc vẫn rất lớn, duy trì trên 300 xe/ngày, lượng xe tồn tại bến bãi của Công ty cổ phần vận tải thương mại Bảo Nguyên khoảng 250-300 xe/ngày.

Đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu là 352 lái xe, đảm bảo duy trì hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu. Do tình hình đã khống chế được dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Quản lý đã trao đổi hội đàm, gửi Công hàm, Thư công tác đề nghị phía Trung Quốc dừng hoạt động của Đội lái xe chuyên trách; áp dụng cho phép tất cả các lái xe chở hàng hoá xuất khẩu đến cửa khẩu đã được kiểm tra y tế vận chuyển hàng hóa qua biên giới nhưng đến nay phía Trung Quốc chưa thống nhất.

Tại Cửa khẩu phụ Cốc Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến ngày 20/5 vừa qua đạt 108,2 triệu USD, giảm 87% so với cùng kỳ ngoái; trong đó, xuất khẩu khoảng 100,7 triệu USD, nhập khẩu 7,5 triệu USD với tổng lượng xe xuất nhập khẩu khoảng trên 9.700 lượt kể từ đầu năm đến nay.

Nhiều cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa thể mở cửa ảnh 1Lái xe làm thủ tục xuất nhập khẩu nông sản tại cửa khẩu được mặc đồ bảo hộ phòng chống dịch. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Hiện tại cửa khẩu chỉ thực hiện thông quan 5 giờ/ngày và nghỉ vào thứ Bảy, Chủ Nhật và dịp lễ Tết nên năng lực thông quan hàng hóa hàng ngày chỉ đạt từ 60-80 xe/ngày, do lượng xe chờ xuất khẩu không lớn nên năng lực thông quan vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.

Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn đã nhiều lần trao đổi hội đàm, gửi Công hàm, thư công tác đề nghị phía Trung Quốc khôi phục thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày giờ Hà Nội và làm việc bình thường vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày nghỉ lễ nhưng phía Trung Quốc chưa thống nhất thực hiện.

Với các cửa khẩu khác, Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn cùng các sở, ngành và chính quyền các huyện biên giới đã nhiều lần trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc.

Gần đây nhất là cuộc trao đổi hội đàm với ông Dương Á Tuấn, Bí thư thị ủy Bằng Tường và nội dung Công hàm ngày 21/5/2020 Ban Quản lý gửi Sở Thương mại Quảng Tây, Văn phòng cửa khẩu Quảng Tây và Chính phủ nhân dân thành phố Sùng Tả đề nghị khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua tất cả các cặp cửa khẩu/cặp chợ để tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa cư dân biên giới hai bên.

Đó là các cặp cửa khẩu/cặp chợ Nà Nưa của Việt Nam-Nà Hoa của Trung Quốc; Bình Nghi thuộc Việt Nam-Bình Nhi Quan của Trung Quốc; Na Hình của Việt Nam-Kéo Ái của Trung Quốc; Pò Nhùng thuộc Việt Nam-Dầu Ái thuộc Trung Quốc. Tuy nhiên đến nay chưa nhận được thông tin phản hồi của phía Trung Quốc.

Đến thời điểm hiện tại, Cửa khẩu phụ Bình Nghi vẫn còn tồn 26 container hàng thực phẩm đông lạnh với tổng trọng lượng 631.609kg, giá trị 1,1 triệu USD; tại Cửa khẩu phụ Na Hình tồn 6 lô thịt trâu sấy khô với trọng lượng 74 tấn, trị giá trên 230.000 USD và tại Cửa khẩu phụ Pò Nhùng còn tồn 2 container chân gà, trọng lượng trên 30 tấn, giá trị khoảng 70.000 USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.