Nhiều địa phương chưa xử lý xe vi phạm tốc độ qua hộp đen

Qua kiểm tra trên hệ thống về việc thực hiện truyền dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhiều địa phương vẫn chưa xử lý phương tiện vi phạm về tốc độ qua hộp đen.
Thanh tra giao thông kiểm tra thiết bị hộp đen được lắp đặt trên xe khách. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo thông báo kết quả tổng hợp, phân tích tình hình vi phạm của ôtô từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), tháng Mười vừa qua, máy chủ của đơn vị này đã theo dõi và phát hiện được hơn 37.750 phương tiện vi phạm tốc độ.

Cụ thể, số liệu thống kê từ Tổng cục Đường bộ cho thấy, tính đến hết tháng Mười, số phương tiện đã truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về máy chủ tại Tổng cục Đường bộ là 78.118 phương tiện. Hàng ngày, bình quân có 65,4% phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống thông tin của Tổng cục.

Tổng số lần vi phạm quá tốc độ trên toàn quốc là 2,1 triệu lần (tăng gần 160.000 lần so với tháng Chín), trong đó 10 địa phương có tỷ lệ cao nhất về số lần vi phạm tốc độ từ 20 km/giờ trở lên trên tổng số lần vi phạm tốc độ lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Đắk Lắk, Bình Định, Nghệ An, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Cũng trong tháng Mười, vi phạm về thời gian lái xe cũng khá phổ biến với 52.000 lần lái xe vi phạm chạy liên tục quá 4 giờ. Đặc biệt, có tới gần 10.850 lần (giảm 4.021 lần so với tháng trước đó) về vi phạm về thời gian làm việc của lái xe liên tục quá 10 giờ trong ngày.

Qua kiểm tra trên hệ thống về việc thực hiện truyền dữ liệu, tại báo cáo của Tổng cục Đường bộ đánh giá, các Sở Giao thông Vận tải địa phương đã tích cực đôn đốc các đơn vị vận tải thực hiện truyền dữ liệu về Tổng cục. Qua số liệu tổng hợp cho thấy, số địa phương có tỷ lệ truyền dữ liệu trên 70% là 22 địa phương (tháng Chín là 24 địa phương), từ 60% đến dưới 70% là 29 địa phương (tháng Chín là 25 địa phương) và số dưới 60% là 12 địa phương (tháng Chín là 14 địa phương).

Tuy nhiên, hiện nay, 14 Sở Giao thông Vận tải địa phương chưa thực hiện công tác báo cáo kết quả xử lý qua thiết bị giám sát hành trình gồm Bến Tre, Cà Mau, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Phú Thọ, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc gây ảnh hưởng đến công tác quản lý theo dõi, giám sát.

Đối với những phương tiện không truyền dữ liệu hoặc truyền không đầy đủ, Tổng cục Đường bộ đề nghị Sở Giao thông Vận tải xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm đồng thời chỉ đạo các đơn vị vận tải phải nghiêm túc, chủ động trong thực hiện việc theo dõi, giám sát phương tiện của đơn vị mình qua thiết bị giám sát hành trình, đặc biệt là những đơn vị hoạt động vận tải theo hợp đồng, du lịch; đơn vị chạy tuyến cố định có phương tiện (gồm cả phương tiện có ghế ngồi hay giường nằm một tầng hoặc hai tầng) hoạt động vào ban đêm hoặc trên các tuyến có hành trình qua khu vực có địa hình đèo, dốc quang co, các vị trí tuyến đường có bán kính đường cong nhỏ và đường cấp 5 cấp 6 miền núi.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh việc quản lý lái xe tại các đơn vị vận tải có nhiều vi phạm trong hoạt động vận tải, đảm bảo an toàn giao thông.

Trong công tác xử lý vi phạm, căn cứ cơ sở dữ liệu đã tổng hợp trên hệ thống của Tổng cục Đường bộ, trong tháng Mười, các Sở Giao thông Vận tải đã thu hồi phù hiệu chạy xe đối với 111 xe, đình chỉ khai thác tuyến đối với 59 xe, từ chối cấp phù hiệu đối với 24 xe./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục