Nhiều dư địa để xây dựng Mộc Bài thành trung tâm thương mại quốc tế

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng lựa chọn để tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 phát triển thành trung tâm thương mại quốc tế.
Nhiều dư địa để xây dựng Mộc Bài thành trung tâm thương mại quốc tế ảnh 1Xe container vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tại một cửa khẩu quốc tế. (Ảnh minh họa. Thanh Bình/TTXVN)

Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đường biên giới dài 240 km, tiếp giáp với Campuchia.

Với lợi thế là tỉnh có 3 cửa khẩu quốc tế gồm Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam; 3 cửa khẩu quốc gia là Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân và 10 cửa khẩu phụ; trong đó cửa khẩu quốc tế Mộc Bài là một trong những cửa khẩu được Tây Ninh kỳ vọng trở thành trung tâm thương mại mang tầm quốc gia, quốc tế.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là từ khi chính sách mua bán hàng miễn thuế bị bãi bỏ vào năm 2018 nên sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa đạt được mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, Tây Ninh kỳ vọng sẽ có một chính sách đặc thù cho khu vực kinh tế này để phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm một số chính sách phát triển từ năm 1998, với quy mô 21.292 ha, có nhiều triển vọng trở thành trung tâm kinh tế thương mại quốc gia, quốc tế. Thế nhưng, sau 24 năm Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài vẫn chưa thể phát triển tương xứng.

Hiện nay, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng lựa chọn để tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025 để phát triển thành trung tâm thương mại quốc tế.

Chưa tương xứng tiềm năng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 26 khu kinh tế cửa khẩu, trừ 3 cửa khẩu phát huy rất tốt là Lạng Sơn, Móng Cái và Lào Cai, còn lại phần lớn các cửa khẩu chưa phát huy được tiềm năng; trong đó có Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài của Tây Ninh. Điều đáng nói, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là một trong những khu kinh tế cửa khẩu đặc biệt, có vị trí rất quan trọng, thuận lợi về nhiều mặt, nhất là trong kết nối vùng Đông Nam Bộ nói riêng và quốc gia với các nước ASEAN thông qua tuyến đường Xuyên Á.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm, từ những ngày đầu thành lập, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã mang đến nhiều kỳ vọng tạo sự phát triển đột phá. Bởi, Mộc Bài từng có giai đoạn thực sự trở thành một điểm nhấn nổi bật, thu hút đầu tư, nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa. Dẫn chứng là hệ thống siêu thị miễn thuế hoạt động sôi động trên tuyến biên giới.

Tuy nhiên, đến nay Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa đạt được mục tiêu và kỳ vọng; trong đó tác động lớn nhất là sự thay đổi về cơ chế, chính sách về đầu tư, thương mại đã dẫn đến Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài dần mất đi động lực phát triển.

[Khai thác lợi thế, thu hút phát triển thương mại biên giới]

Nhận định về tiềm năng của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho rằng, Mộc Bài là một trong những Khu kinh tế cửa khẩu quan trọng nhất trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia.

Không chỉ là cửa ngõ của Tây Ninh trong việc phát triển giao lưu thương mại với Campuchia mà Mộc Bài còn giữ vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế, có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.

So với các khu kinh tế cửa khẩu khác, Mộc Bài có lợi thế đặc biệt nằm trên các trục giao thông quốc gia và quốc tế ở phía Nam. Từ năm 2013 đến nay, Mộc Bài luôn được xác định là một trong những khu kinh tế trọng điểm, được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2015, giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thu hút được 56 dự án đầu tư (19 dự án đầu tư nước ngoài và 37 dự án có vốn đầu tư trong nước). Tổng vốn đầu tư đăng ký là 401 triệu USD và 8.600 tỷ đồng. Hiện tại, đã có 33 dự án đang triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh (gồm 11 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 22 dự án có vốn đầu tư trong nước).

Năm 2015, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nộp ngân sách hơn 149 tỷ đồng. Đến năm 2021, dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài vẫn nộp ngân sách khoảng 353 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 17.500 lao động tại địa phương. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2005 là 52,38 triệu USD, năm 2015 là 354,7 triệu USD và đến năm 2021 tăng 629 triệu USD. Số lượt người và phương tiện qua lại cửa khẩu tăng dần qua các năm, bình quân mỗi năm trên 2 triệu lượt người.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống nhận định sau hàng chục hình thành và phát triển, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài vẫn chưa thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng và tầm cỡ quốc tế. Hầu hết các dự án trong nước quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, chưa có những dự án công nghiệp lớn mang tính lan tỏa.

Chính sách chưa ổn định

Lý giải về sự phát triển chưa tương xứng của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, cho rằng một trong những nguyên nhân khách quan xuất phát từ cơ chế chính sách chưa ổn định, nhất là chính sách hỗ trợ đền bù dẫn đến nhà đầu tư bị động. Trong khi một số nhà đầu tư không còn đủ năng lực thực hiện dự án nhưng quy định về trình tự thủ tục để xử lý việc thu hồi dự án khó khăn, đến nay không thực hiện được. Kết cấu hạ tầng chậm được mở rộng, nâng cấp gây ra tình trạng quá tải, ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.

Các dự án siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đường biên chỉ khởi sắc trong những năm đầu khi áp dụng chính sách bán hàng miễn thuế nhưng khi chính sách thay đổi, hoạt động thương mại cũng đi xuống.

Nhiều dư địa để xây dựng Mộc Bài thành trung tâm thương mại quốc tế ảnh 2Siêu thị miễn thuế ở Mộc Bài. (Nguồn: vi.wikipedia.org)

Ông Hùng dẫn chứng ban đầu, định hướng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài lấy thương mại, dịch vụ làm động lực phát triển; trong đó, chọn khâu đột phá là thực hiện chính sách kinh doanh bán hàng miễn thuế để thu hút du khách, tạo tiền đề cho sự phát triển. Mục tiêu này dựa vào chính sách thuế là chính. Nhưng, sau khi không còn chính sách miễn thuế thì các siêu thị, trung tâm, cửa hàng thương mại miễn thuế cũng dừng hoạt động làm cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài mất đi động lực phát triển.

Trong khi đó, theo ông Hùng, quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa nghiên cứu đầy đủ, kịp thời xu hướng phát triển của thế giới và khu vực; chưa đánh giá hết những yếu tố tác động đến mục tiêu, chiến lược. Cho nên khi mục tiêu động lực chính bị thay đổi dẫn đến quy hoạch không còn điều kiện để thực hiện.

Ngoài ra, nhiều dự án chậm triển khai kéo dài nhiều năm nhưng tỉnh thiếu tính chủ động, quyết liệt, chưa thống nhất giải pháp thu hồi dứt điểm. Ngân sách bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng tương đối ít so với quy mô của khu kinh tế cửa khẩu dẫn đến đầu tư hạ tầng không đồng bộ, huy động các nguồn lực đầu tư trong xã hội còn gặp khó khăn, hạn chế.

Ông Hùng cho rằng, với quy mô hơn 21.000 ha, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là khu kinh tế có diện tích lớn nhất khu vực châu Á, đứng thứ tư trên thế giới, dư địa của khu kinh tế đủ lớn để phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ cửa khẩu là rất lớn. Do đó, Tây Ninh đã có đề xuất Trung ương sớm điều chỉnh quy hoạch cho ngang tầm, đặc biệt phân bổ nguồn lực đồng bộ, hiệu quả.

Mặt khác, Tây Ninh cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Mộc Bài so với các mô hình khu kinh tế cửa khẩu nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất; trong đó, các chính sách ưu đãi về đầu tư, cơ chế sử dụng nguồn thu được để lại; chính sách phân bổ, sử dụng đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ áp dụng riêng cho khu kinh tế theo quy hoạch chung xây dựng được duyệt.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương để xử lý các vấn đề liên quan đến quy hoạch cấp chủ trương đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cắt giảm thời gian tạo sự thông thoáng cho nhà đầu tư.

Để làm “sống lại” Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, vừa qua Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức hội thảo khoa học quan điểm, định hướng giải pháp phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị-công nghiệp-dịch vụ cửa khẩu xanh bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định sự cần thiết để khởi động lại Khu kinh tế cửa khẩu là một trong những vấn đề để cụ thể hóa Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; trong đó, nhấn mạnh vai trò của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Cùng đó, đề xuất hướng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo một tư duy mới theo hướng đô thị-công nghiệ-dịch vụ cửa khẩu xanh bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục