Nhiều hình thức tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân TP.HCM gặp khó

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM triển khai “Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19” qua Cổng thông tin 1022, với sự hỗ trợ và đồng hành của VNPT.
Nhiều hình thức tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân TP.HCM gặp khó ảnh 1Cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 cùng cảnh sát khu vực phường Võ Thị Sáu, Quận 3 trao túi hỗ trợ cho những người ở trọ có hoàn cảnh khó trong những ngày thành phố giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đấy.” (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nhằm đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh triển khai “Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19” qua Cổng thông tin 1022, với sự hỗ trợ và đồng hành về kỹ thuật của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Từ 12 giờ ngày 28/8, thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố đã được hỗ trợ thêm lực lượng tổng đài viên từ Mobifone và Viettel giúp nâng cao năng lực tiếp nhận của tổng đài để kịp thời hỗ trợ thông tin cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.

Bên cạnh cách thức gọi điện đến số 1022 (nhấn phím 2) để được hỗ trợ, người dân sử dụng các loại điện thoại thông minh, có kết nối Internet có thể gửi đề nghị hỗ trợ qua ba phương thức khác, bao gồm: Truy cập website: tongdai1022.tphcm.gov.vn (chọn mục “Gửi phản ánh”); tìm “1022 TPHCM” trên Zalo (chọn “Quan tâm” và gửi thông tin cần hỗ trợ qua trợ lý ảo - chatbot) và gửi phản ánh qua ứng dụng “Tổng đài 1022” trên điện thoại thông minh.

Thông tin nhận được sẽ được Cổng thông tin 1022 chuyển đến Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xử lý, hỗ trợ người dân trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, Hội đồng Nhân dân Thành phố và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cũng sẽ giám sát việc xử lý, hỗ trợ người dân khi gặp khó khăn của các đơn vị.

[TP.HCM: Hỗ trợ F0 kịp thời, kiểm tra khai báo y tế tại các chốt nội ô]

Hiện nay, Cổng thông tin 1022 do Sở Thông tin và Truyền thông triển khai, với sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng Thành phố. Sở Thông tin và Truyền thông khuyến khích người dân gửi phản ánh, đề nghị hỗ trợ thông qua các hình thức nêu trên tới Cổng thông tin 1022.

Các đơn vị luôn sẵn sàng tiếp nhận phản ánh, đề nghị từ người dân 24/7 để có thể hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời tới cả những người dân không sử dụng điện thoại thông minh, người lớn tuổi hoặc không có điều kiện tiếp cận với công nghệ...; hỗ trợ xử lý nhanh nhất những thông tin phản ánh về các vi phạm trong công cuộc phòng, chống COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh hình thức trên, từ ngày 28/8, người dân Thành phố Hồ Chí Minh có thể đăng ký đề nghị hỗ trợ “Túi an sinh” hay tiền trợ cấp tại địa chỉ website: https://bit.ly/dangkyhotrocovid nếu chưa nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Nghị quyết 68 của Chính phủ được thiết lập cùng chương trình “Dân hỏi-Thành phố trả lời” trên fanpage Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh.

Để được nhận hỗ trợ, người dân cần điền đầy đủ họ tên, địa chỉ nhà, số điện thoại, xác định đã nhận hỗ trợ lần nào chưa, gia đình mấy người. Yếu tố đặc thù trong gia đình là người già trên 70 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, F0, người đang điều trị bệnh; gia đình thuộc nhóm hộ nghèo, hộ cận nhèo (có mã số), hộ khó khăn do dịch COVID-19 hoặc không thuộc các trường hợp này rồi chọn phương thức hỗ trợ là “Túi an sinh” hay tiền trợ cấp tùy thuộc đối tượng cụ thể.

Trong đó, “Túi an sinh” bao gồm lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm giúp người dân có thể ăn uống trong khoảng một tuần. Riêng các trường hợp mắc COVID-19 đang chăm sóc, điều trị tại nhà thì “Túi an sinh” có thêm phần sữa, cháo dành cho người ốm.

Nhiều hình thức tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân TP.HCM gặp khó ảnh 2Trang đăng ký đề nghị hỗ trợ “Túi an sinh” hay tiền trợ cấp tại địa chỉ website: https://bit.ly/dangkyhotrocovid. Ảnh chụp màn hình)

Trường hợp nhận hỗ trợ tiền mặt, người dân sẽ nhận theo các diện được quy định trong Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân thành phố về chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, hỗ trợ một lần 1,8 triệu đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hay người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chính sách hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ đối với các hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; hỗ trợ chợ hạng 1 tương đương 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng, chợ hạng 2 là 210.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng và chợ hạng 3 là 150.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng.

Trong bối cảnh thành phố thực hiện giãn cách yêu cầu "ai ở đâu, ở yên đó," những cách làm này là những việc làm thiết thực, kịp thời; giúp người có hoàn cảnh khó khăn, trong khu vực phong tỏa đảm bảo đời sống an sinh xã hội; đổi mới, nâng cấp trang thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng nhận được hỗ trợ kịp thời theo đúng quy định./.

Tình hình dịch bệnh đến trưa 29/8:

Thành phố Hồ Chí Minh:

Số ca nhiễm: 204.973 ca
Số ca tử vong: 8.368 ca
Số tiêm chủng: 5.889.487 liều

Toàn quốc:

Số ca nhiễm: 422.469
Số ca tử vong:
10.405 ca
Số ca điều trị khỏi:
210.989
Số tiêm chủng: 19.151.122 liều; trong đó tiêm 1 mũi là 16.822.691 liều, tiêm mũi 2 là 2.328.431 liều.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục