Nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn trên địa bàn Thủ đô dịp Lễ Quốc khánh 2/9

Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, ở Du lịch Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức tặng 28.000 suất quà cho du khách đến viếng Lăng Bác; ngoài ra còn nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn khác.

Không khí chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945-2/9/2024) lan tỏa khắp phố phường Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Không khí chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945-2/9/2024) lan tỏa khắp phố phường Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Dự báo, hằng năm dịp Quốc khánh 2/9, khách du lịch quốc tế và trong nước đến Thủ đô tăng cao. Do đó năm nay, Sở Du lịch Hà Nội chủ động tổ chức nhiều chương trình hấp dẫn để kích cầu.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết ngoài công tác giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, thành phố đang chú trọng đổi mới chất lượng dịch vụ, cung cách phục vụ, nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú và nhiều khách sạn tham gia chương trình ưu đãi để khuyến khích du khách.

Đặc biệt, Sở tổ chức các chương trình mang tính kết nối văn hóa, du lịch và vui chơi giải trí trước, trong và sau ngày lễ.

Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay kéo dài 4 ngày (từ ngày 31/8-3/9), Sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố thực hiện rà soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu, thị hiếu của du khách để sẵn sàng phục vụ.

Các khu, điểm tham quan, di tích lịch sử, làng nghề truyền thống cũng như các cơ sở vui chơi giải trí tại Hà Nội đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức các hoạt động chuẩn bị cho du khách đến tham quan, vui chơi và mua sắm quà tặng.

Mở đầu cho hoạt động ngày nghỉ lễ, Sở Du lịch Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2024 với quy mô lớn từ ngày 23-25/8 tại Không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) thu hút hàng chục ngàn người tham quan, mua sắm.

Tiếp đó, Sở sẽ tổ chức chương trình "Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội" năm 2024 từ 5 giờ 30 phút-9 giờ ngày 1/9 tại Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội và một số tuyến phố thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Long Biên.

Dịp này, nhiều người đi du lịch hướng về cội nguồn, lịch sử nên dự báo sẽ có hàng nghìn người đến viếng Lăng Bác tại quận Ba Đình. Do đó, Sở sẽ tổ chức tặng quà cho du khách đến viếng Lăng Bác với tổng số quà tặng dự kiến là 28.000 suất.

ttxvn van nghe.jpg
Biểu diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngoài ra, tại các địa phương, khu, điểm đến tham quan du lịch trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra một số chương trình, hoạt động nổi bật như Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được kéo dài từ 19 giờ ngày 30/8 đến 24 giờ ngày 3/9 và các tuyến phố đi bộ khu vực phố cổ từ 19 giờ đến 24 giờ các ngày từ 30/8 đến hết ngày 3/9 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn.

Tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây) sẽ diễn ra chương trình “Vui Tết Độc lập” trong 4 ngày nghỉ lễ; Công viên Thiên đường Bảo Sơn, huyện Hoài Đức sẽ tổ chức Lễ hội Xứ sở Thần Tiên; khu di tích Hoàng thành Thăng Long tổ chức chương trình biểu diễn múa rối miễn phí từ 9h30-10h30 và 15-16 giờ các ngày từ 1-2/9; Văn Miếu-Quốc Tử Giám mở triển lãm “Nghiên bút còn thơm” từ ngày 31/8-25/9; Công viên biển Tuần Châu Hà Nội (huyện Quốc Oai) diễn ra chương trình biểu diễn Tinh hoa Bắc Bộ và có màn bắn pháo hoa vào tối 2/9.

Bên cạnh đó, tại các quận, huyện Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm sẽ tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc chào mừng kỷ niệm Quốc khánh.

Tổ hợp vui chơi, giải trí như Lotte Mall Tây Hồ, Vinhomes Ocean Park hay những khu du lịch, điểm du lịch ngoại thành cũng là những điểm đến hấp dẫn du khách đến tận hưởng mùa thu Hà Nội vào dịp nghỉ lễ.

Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các khu, điểm tham quan, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, mua sắm khi phục vụ khách phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh, công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; nghiêm chỉnh chấp hành niêm yết giá công khai, không ép giá, lừa đảo trục lợi khách hàng. Đồng thời, các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền về ứng xử văn minh, văn hóa, phát huy giá trị thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo và ngàn năm văn hiến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.