Từ ngày 24 đến 26/12, ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021 sẽ diễn ra tại tỉnh Lai Châu với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông-Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển.”
Ngày hội có sự tham gia của nghệ nhân, nghệ sỹ, đồng bào dân tộc Mông từ 12 tỉnh (Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Hòa Bình).
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho hay ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III là một sự kiện lớn, thể hiện sự tôn vinh văn hóa một dân tộc giàu truyền thống văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc anh em để các tỉnh tham gia có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc ý thức trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội.
“Các hoạt động trong khuôn khổ ngày hội được chuẩn bị chu đáo, dàn dựng công phu, có tính nghệ thuật cao. Chương trình chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mông, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, giao lưu văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại,” bà Thủy cho biết.
Đáng chú ý, lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật độc đáo sẽ tái hiện sinh động quá trình hình thành và phát triển của đồng bào dân tộc Mông tại Việt Nam, có các màn hoạt cảnh mang đậm âm hưởng sử thi đã tái hiện những nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa và đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông.
“Tất cả các địa phương tham gia ngày hội sẽ đóng góp có những tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc cho lễ khai mạc. Đặc biệt, năm nay là lần đầu tiên các đoàn nghệ nhân trình diễn giã bánh giày - nét văn hóa độc đáo gửi gắm nhiều tâm tư tình cảm, giá trị nhân văn và sự gắn kết trong sinh hoạt cộng đồng của người Mông. Khách tham dự cũng sẽ được tìm hiểu các lễ hội, nghi lễ văn hóa độc đáo của người Mông cả nước,” bà Thủy nói thêm.
Được biết, lễ khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp từ 20h30-22h00 ngày 24/12 trên kênh VTV2 và VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh-Truyền hình của các địa phương tham gia ngày hội.
[Sắp diễn ra Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam”]
Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng sẽ tổ chức các đoàn khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu và tọa đàm "Đánh giá các sản phẩm du lịch của tỉnh Lai Châu và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến với Lai Châu, góp phần tăng doanh thu đưa du lịch Lai Châu phát triển theo hướng bền vững."
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, cho biết việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc là hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành đến đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông. Đây cũng là dịp để đồng bào cả nước nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng bày tỏ tình cảm, niềm tin yêu của mình với Đảng, với Bác Hồ, ý thức trách nhiệm với văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.
“Lễ hội dự kiến diễn ra tháng Chín năm nay nhưng vì dịch bệnh nên Ban tổ chức đã phải lùi lại chương trình. Hiện nay, mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất, địa phương rất cố gắng kiểm soát tình hình dịch và đã lên các phương án dự phòng khi dịch bệnh chuyển biến phức tạp,” ông nói./.