Nhiều mô hình khuyến đọc khơi dậy niềm đam mê sách

Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành nhiều mô hình khuyến đọc có hiệu quả khơi dậy niềm đam mê sách trong cộng đồng.
Nhiều mô hình khuyến đọc khơi dậy niềm đam mê sách ảnh 1 Trao đổi sách cũ là một trong những hoạt động khuyến đọc hiệu quả. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 21/4, nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách cũng như văn hóa đọc, đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thói quen đọc sách đối với sự nâng cao kiến thức, kỹ năng và rèn luyện nhân cách con người, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều mô hình khuyến đọc, mang lại hiệu quả khơi dậy niềm đam mê sách trong cộng đồng.

Gia đình phải là cái nôi khuyến đọc

Theo một số chuyên gia, để giúp giới trẻ hiểu được lợi ích của sách và khơi dậy niềm đam mê đọc, các bậc phụ huynh phải chủ động tìm hiểu, chọn lọc và trở thành cầu nối giúp con tiếp cận những tác phẩm có giá trị cũng như định hướng cách đọc.

Trước tiên, các bậc phụ huynh cần trang bị nhiều kỹ năng như đọc và khai thác nội dung sách để có cơ sở tìm hiểu sở thích của trẻ và hướng dẫn trẻ những phương pháp đọc hiệu quả; thường xuyên cùng trẻ đến các nhà sách, thư viện nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận những tác phẩm sách có gái trị; tư vấn cho trẻ chọn lựa sách phù hợp với từng độ tuổi…

Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Minh Quân, cho rằng có thể nói giới trẻ lười đọc sách một phần do người lớn lơ là trong việc khuyến khích, định hướng.

Gia đình phải xây dựng truyền thống và văn hóa đọc cho con cháu bằng cách chăm sóc hơn nữa đến đời sống tinh thần của con trẻ qua những hành động cụ thể như đọc sách cho con nghe trước khi đi ngủ, khuyến khích con tiết kiệm tiền để mua sách.

Bên cạnh đó, dành thời gian để nghe con kể lại những câu chuyện hay, tâm đắc qua đó rèn luyện khả năng diễn đạt bằng lời nói cho con, động viên con viết nhật ký để phát triển khả năng viết và ba mẹ cần làm gương bằng cách thường xuyên đọc sách.

Nhìn vào thực trạng đọc hiện nay, dễ dàng nhận thấy một bộ phận giới trẻ do không được xây dựng thói quen đọc sách và tự học qua sách từ nhỏ. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến xã hội đang bị lạm phát văn nói và văn mẫu cũng như tình trạng viết sai lỗi chính tả tràn lan khắp nơi.

Ông Trần Anh Khôi, sáng lập viên của QuyTangSach.org, từng chia sẻ: Một người thích đọc sách và đọc nhiều sách chưa đủ để gọi là có “văn hóa đọc,” bởi văn hóa đọc bao hàm rất nhiều yếu tố như thói quen đọc, mua, tặng sách, gu thưởng thức…

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích mọi người có nhiều hơn những hành động như đọc, mua, tặng, đánh giá sách… và nếu càng nhiều người có thể tham gia vào các hoạt động này sẽ góp phần hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng.

Đổi mới hoạt động giới thiệu sách

Sự phát triển và bùng nổ thông tin trên các phương tiện truyền thông hiện đại ngày càng tác động mạnh mẽ đến văn hóa, đời sống của con người, đặc biệt thói quen đọc ngày càng mất đi và thời gian dành cho những quyển sách cũng trở nên hạn hẹp hơn.

Theo bà Liên Trang, chuyên viên Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, để tôn vinh giá trị và khẳng định vai trò của sách trong đời sống xã hội, đồng thời tôn vinh những người đọc và tham gia lưu giữ, quảng bá sách, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều mô hình khuyến đọc đa dạng.

Với chức năng phục vụ đọc tại chỗ, cho mượn về nhà, giải đáp thông tin trực tuyến…, hàng năm, Thư viện Khoa học Tổng hợp tiếp đón bình quân khoảng 20.000 lượt bạn đọc, đồng thời phục vụ lưu động gần 100 chuyến tại các trường học vùng sâu, vùng xa với nhiều loại hình phong phú, thu hút được sự quan tâm bạn đọc.

Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là địa chỉ uy tín của sinh viên, học sinh, học giả mà còn là điểm đến quen thuộc của đông đảo độc giả thành phố thông qua những việc sáng tạo, đổi mới trong các hoạt động mang sách lại gần với độc giả như chương trình giới thiệu sách mới, sách hay; Trao đổi sách cũ; Góc thiếu nhi…

Riêng trong tháng 4/2014, hướng đến Ngày sách Việt Nam, Thư viện phối hợp với Bảo tàng Thành phố tổ chức lần đầu tiên Hội thi “Những quyển sách quý” nhằm mục tiêu khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng và tăng cường tìm kiếm, phát hiện các nguồn sách, thư tịch, tư liệu quý hiếm được các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước lưu giữ.

Bên cạnh những thư viện lớn, hệ thống thư viện tại các quận, huyện của thành phố cũng không ngừng cải thiện cả về chất lượng, số lượng đầu sách cũng như khâu phục vụ, thu hút bạn đọc.

Bà Bùi Phương Liên, phụ trách Thư viện quận Phú Nhuận cho biết Thư viện luôn nỗ lực nâng cao các hoạt động chuyên môn cũng như duy trì hiệu quả những chương trình dành cho bạn đọc gồm Nét vẽ xanh, Kể chuyện sách hè, Đố em…

Thời gian tới, Thư viện sẽ tiếp tục bổ sung thêm nhiều đầu sách mới về tôn giáo, lịch sử, văn học; hướng dẫn, giới thiệu sách mới cho bạn đọc; tổ chức giao lưu, đánh giá tác phẩm, tác giả hay; thực hiện nhận trả sách tại nhà khi bạn đọc có nhu cầu.


Càphê sách kết nối bạn đọc

Những năm gần đây, mô hình kinh doanh càphê sách nở rộ ở Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao mà điều đáng chú ý là đã góp phần tạo ra không gian thuận tiện và làm cầu nối cho người đọc đến với sách.

Bạn Phạm Văn Duyên, sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, với điều kiện kinh tế của sinh viên, khó mà mua nổi tất cả những quyển sách muốn đọc và phục vụ cho việc học nên trước đây, hai địa điểm lý tưởng với nguồn sách dồi dào là thư viện và nhà sách.

Tuy nhiên thư viện có chỗ bất tiện là không thể thảo luận hay làm bài tập nhóm, còn nhà sách ít có khu vực để đọc mà phải đứng hoặc ngồi ngay tại quầy sách. Vì vậy, những quán càphê sách có giá phải chăng luôn là nơi mà sinh viên, học sinh và giới trẻ tụ tập để thư giãn, đọc sách, họp nhóm.

Hầu hết tại những quán càphê sách đều trang bị nguồn sách phong phú, đa dạng, đặc biệt là những tác phẩm văn học, nghệ thuật kinh điển trong và ngoài nước với số lượng đầu sách từ vài trăm lên đến hàng ngàn cuốn.

Bên cạnh đó, các quán này thường được thiết kế, trang trí theo xu hướng trang nhã, giản dị, yên tĩnh nhằm tạo ra không gian thư giãn cho người đọc với nhiều cây xanh, tranh hội họa, tác phẩm nghệ thuật…

Tại quán càphê Sống Chậm trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, người đọc có thể dễ dàng tìm kiếm những cuốn sách văn học, mỹ thuật hoặc tác phẩm triết học có giá trị.

Chủ quán càphê Hub, đường Cộng Hòa, quận Tân Bình cho biết, mục tiêu mở quán là nhằm kết nối, chia sẻ và cải thiện thói quen đọc trong cộng đồng, đồng thời cung cấp cho sinh viên, học sinh nguồn tư liệu bổ ích.

Quán bố trí khu vực riêng để chọn sách với hơn 1.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau, sau khi tìm đủ những quyển sách cần thiết người đọc có thể chọn một vị trí phù hợp để thả hồn vào những trang sách.

Theo các chuyên gia, tùy theo nhu cầu thực tế mỗi người có thể chọn cho mình những địa điểm tiếp cận sách phù hợp, nhưng nếu càng tạo ra nhiều không gian để người đọc tương tác với sách, thói quen đọc sẽ ngày càng lan tỏa rộng trong cộng đồng.

Vì vậy, khuyến khích đổi mới và sáng tạo những mô hình khuyến đọc hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa sách đến gần với người đọc và phát huy những giá trị bổ ích của sách trong đời sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục