Nhiều ngư dân Quảng Nam muốn trả lại tàu vỏ sắt vì không phù hợp

Các ngư dân cho rằng họ không được quyền chọn lựa đơn vị tư vấn thiết kế mẫu và không được giám sát quá trình thi công đóng mới tàu nên khi đưa vào sử dụng, nhiều tàu cá bộc lộ một số bất cập.
Nhiều ngư dân Quảng Nam muốn trả lại tàu vỏ sắt vì không phù hợp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Do có nhiều bất cập trong quá trình khai thác và không phù hợp với thực tế sản xuất trên biển nên một số hộ ngư dân ở các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã có ý định trả lại tàu vỏ sắt cho đơn vị sản xuất.

Hiện tượng này đã dấy lên nhiều lo ngại trong một bộ phận ngư dân trong việc triển khai thực hiện những ưu đãi Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ để đóng mới những con tàu có công suất lớn, nhất là tàu vỏ sắt với đầy đủ các trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại để vươn khơi bám biển dài ngày.

Sau hơn một năm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đến nay, ở xã Tam Quang nói riêng và huyện Núi Thành nói chung có 15 chiếc tàu vỏ gỗ và vỏ sắt có công suất lớn được ngư dân đóng mới đã ra khơi.

Kể từ khi chuyển từ tàu vỏ gỗ truyền thống có công suất nhỏ sang tàu vỏ thép công suất lớn hơn, hoạt động đánh bắt trên biển trở nên an toàn hơn, ngư dân Quảng Nam rất phấn khởi.

Cùng với các nghiệp đoàn nghề cá đã thành lập trước đây, ngư dân ở đây sẽ thành lập thêm các nhóm tàu thuyền vươn khơi xa mỗi nhóm từ 5 chiếc trở lên để hỗ trợ nhau trong quá trình làm ăn trên biển.

Mặc dù vậy, một trong những vấn đề mà nhiều ngư dân ở Quảng Nam vẫn còn băn khoăn là họ không được quyền chọn lựa đơn vị tư vấn thiết kế mẫu và không được giám sát quá trình thi công đóng mới tàu. Bên cạnh đó, các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát và đơn vị thi công chưa tham khảo ý kiến bà con. Do đó, khi đưa vào sử dụng, nhiều tàu cá đã bộc lộ một số bất cập, khiến ngư dân không khai thác được hết công năng.

Ông Huỳnh Minh Cảnh, một lão ngư dày dạn kinh nghiệm đóng tàu cũng như kinh nghiệm đi biển ở làng chài Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, khẳng định để con tàu thật sự gắn bó với ngư dân, bà con phải được tham gia ngay từ những khâu đầu tiên trong quá trình đóng mới tàu.

Các ý kiến đóng góp của bà con về kết cấu thân tàu, kiểu dáng, kích cỡ, công suất máy, thiết bị trên tàu… phải được đưa vào hồ sơ ngay từ ban đầu của dự án và phải được các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan chịu trách nhiệm về kỹ thuật đóng tàu quan tâm.

Chia sẻ những băn khoăn của ngư dân, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho hay khó khăn của việc đóng mới tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP là việc tìm đơn vị tư vấn, thiết kế. Tất cả công việc này đều do ngư dân tự thân vận động nên đẩy chi phí lên cao. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay để đóng mỗi chiếc tàu khá lớn nên ngân hàng cũng dè dặt.

Tuy nhiên, theo ông Tấn, những khó khăn ban đầu này đến nay cơ bản đã được các ngành có liên quan ở địa phương và ngư dân từng bước tháo gỡ. Kết quả là đã có hàng chục tàu đánh cá vỏ gỗ và vỏ thép của ngư dân trong tỉnh đã hoàn thành và đi vào khai thác.

Ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, khẳng định Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ là một trong những chủ trương kịp thời, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của ngư dân và được nhân dân tích cực đón nhận.

Tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục cần thiết để dự án đóng tàu có công suất lớn từ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi sớm đi vào cuộc sống.

Theo ông Tùng, hồ sơ vay vốn của ngư dân có vướng mắc chỗ nào yêu cầu các ngân hàng, đơn vị có liên quan trả lời ngay để ngư dân điều chỉnh, bổ sung để đưa dự án vào ký kết hợp đồng, đảm bảo cho việc đóng mới tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo các yêu cầu về kinh tế, các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Cùng với việc tiếp tục tháo gỡ những khó khăn về các điều kiện vay vốn ngân hàng, kéo dài thời gian sử dụng vốn vay, số lần đóng góp vốn đối ứng, một trong những yêu cầu có tính bắt buộc là các cơ quan chức năng phải lắng nghe ý kiến đóng góp của ngư dân trong quá trình thiết kế kiểu dáng, kết cấu đến việc lựa chọn vật liệu, giám sát đóng mới tàu, trang thiết bị trên tàu…

Những đề xuất của ngư dân cần được xem xét một cách cẩn thận và được áp dụng có chọn lọc vào quá trình đóng mới tàu có công suất lớn, nhất là tàu vỏ sắt. Như vậy, các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 mới thật sự là phương tiện gắn bó lâu dài với ngư dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục