"Nhiều nhà máy chế biến hải sản Việt Nam tốt hơn một số nước châu Âu"

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia nước ngoài đều bày tỏ đánh giá cao đối với các mặt hàng thủy sản cũng như chất lượng chế biến hải sản của các nhà máy của Việt Nam.
"Nhiều nhà máy chế biến hải sản Việt Nam tốt hơn một số nước châu Âu" ảnh 1Khách hàng tìm hiểu cơ hội làm ăn với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Từ ngày 26-28/4, Hội chợ thủy sản toàn cầu thường niên 2016 được tổ chức tại Trung tâm triển lãm thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ.

Đây là hội chợ chuyên ngành thủy sản lớn nhất thế giới với sự góp mặt của hàng nghìn khách hàng và nhà cung cấp đến từ khắp các châu lục.

Hội chợ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, nhà bán buôn, nhà hàng, siêu thị, khách sạn và các doanh nghiệp bán lẻ được gặp gỡ, thiết lập mạng lưới làm ăn.

Các nhà trưng bày giới thiệu tại hội chợ những sản phẩm thủy hải sản mới nhất, các thiết bị bảo quản thủy sản cũng như dịch vụ và thị trường.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Việt Nam tham dự hội chợ lần này với 24 doanh nghiệp trong đó nhiều doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEF).

Các doanh nghiệp giới thiệu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như cá tra, cá ba sa, tôm và một số sản phẩm thủy sản khác.

Ông Trần Văn Dũng, đại diện của VASEF, cho biết mục tiêu của Việt Nam tham dự hội chợ lần này là tăng cường lượng xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu, đặc biệt, các sản phẩm giá trị gia tăng vào các siêu thị.

Ông cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng về thiết bị, nhà xưởng, công nghệ chế biến để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu một khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Alexis Fergay, Tổng Giám đốc Công ty hải sản NEPTUNE (Pháp), cho biết ông là khách hàng lâu năm của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Ông đánh giá cao các mặt hàng của Việt Nam như cá tra, cá basa và khẳng định sẽ mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác làm ăn với phía Việt Nam, đặc biệt là khi EVFTA được thực thi. Các mặt hàng giá trị gia tăng của Việt Nam giới thiệu tại hội chợ như tôm tẩm bột chiên giòn, nem cá basa, được khách hàng nước ngoài đánh giá cao.

Ông Karakou Pheni, người Côte d’Ivoire, cho biết ông rất thích cá da trơn của Việt Nam. Đặc biệt các món ăn làm từ hải sản được giới thiệu ở hội chợ này rất ngon. Ông hy vọng sẽ sớm tìm được các mặt hàng này ở siêu thị tại Bỉ.

Nhân dịp này, Thưong vụ Việt Nam tại Bỉ đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Thị trường thủy sản EU và các cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và Bỉ kết nối và tìm ra tiềm năng của hai bên.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai, phía Việt Nam đã thành lập và cải thiện khuôn khổ pháp lý cũng như thể chế cho quản lý nghề cá dựa trên đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC).

Việt Nam được phía EU đánh giá là quốc gia đầu tiên đã hợp tác tích cực với giới chức EU đề giải quyết các vấn đề nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng thủy sản của thị trường EU.

Còn ông Phan Ngọc Lân, Việt kiều Bỉ, chuyên gia trong lĩnh vực thủy hải sản và là cộng tác viên của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từ nhiều năm nay cho rằng Việt Nam nên đầu tư vào khảo sát thị trường, tìm hiểu thị hiếu khách hàng châu Âu, hiểu phân khúc thị trường hải sản châu Âu đồng thời cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tăng cường lượng xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam vào thị trường này. Việt Nam có nhiều nhà máy chế biến hải sản tốt hơn một số quốc gia châu Âu.

Ông Phan Ngọc Lân nhấn mạnh điều quan trọng là phải xây dựng thương hiệu quốc gia về thủy hải sản của Việt Nam.

Theo VASEP, sau thời gian dài gặp khó khăn thì xuất khẩu thủy sản ba tháng đầu năm 2016 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 9% so cùng kỳ.

Cùng với Mỹ, Nhật, EU là thị trường thủy sản quan trọng nhất của Việt Nam với việc tiêu thụ 18% lượng xuất khẩu thủy sản của đất nước.

Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Vương Thừa Phong và Tham tán thương mại Nguyễn Cảnh Cường đều tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại hội chợ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.