Nhiều nước phản ứng việc Mỹ áp thuế với thép và nhôm nhập khẩu

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã kêu gọi EU phải có phản ứng "kiên quyết" trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ về áp mức thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu.
Nhiều nước phản ứng việc Mỹ áp thuế với thép và nhôm nhập khẩu ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ống thép ở Sơn Đông, Trung Quốc ngày 31/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 2/3, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phải có phản ứng "kiên quyết" trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về áp mức thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu.

Trao đổi với báo giới, Ngoại trưởng Gabriel cho rằng bước đi của Washington là "hoàn toàn không thể chấp nhận," đe dọa đến hàng nghìn việc làm tại châu Âu.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức khẳng định các nhà sản xuất của Đức và EU cạnh tranh công bằng và không bán phá giá, đồng thời kêu gọi Tổng thống Trump cân nhắc lại quyết định trên. Ông cũng cho rằng Mỹ và EU "nên làm mọi thứ có thể để tranh xảy ra cuộc chiến thương mại quốc tế."

Cùng ngày, Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ "kiềm chế sử dụng các công cụ bảo hộ thương mại" sau khi Tổng thống Trump công bố các kế hoạch áp thuế mới đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cảnh báo nếu tất cả các quốc gia đều theo đuổi chính sách này giống Mỹ, điều này sẽ dẫn đến tác động nghiêm trọng đối với trật tự thương mại quốc tế.

[Những nguy cơ ẩn sau ý định của Mỹ với thép và nhôm nhập khẩu]

Bà nhắc lại lập trường của Bộ Thương mại Trung Quốc đối với thuế đánh vào thép và nhôm, cho rằng việc Mỹ triển khai hơn 100 biện pháp chống lại việc nhập khẩu hàng hóa đồng nghĩa với "sự bảo hộ quá mức cho các mặt hàng nội địa."

Cũng theo quan chức này, trong chuyến thăm Mỹ đang diễn ra, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Lưu Hạc đã có các cuộc trao đổi thẳng thắn với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Gary Cohn và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer về việc xây dựng những điều kiện cần thiết cho việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Trước đó một ngày, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào tuần tới.

Việc áp mức thuế nhập khẩu mới đối với 2 mặt hàng kim loại này, 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm, được cho là một bước đi mới trong nỗ lực thúc đẩy chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump.

Ông chủ Nhà Trắng đã cam kết sẽ xây dựng lại ngành sản xuất thép và nhôm ở Mỹ mà ông cho là phải chịu sự đối xử "đáng xấu hổ" từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, các đối tác thương mại chính của Mỹ đã phản ứng giận dữ sau khi ông chủ Nhà Trăng công bố kế hoạch trên. Canada tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp đối phó, trong khi Mexico, Trung Quốc và Brazil cũng cho biết đang cân nhắc các biện pháp trả đũa.

Giới phân tích nhận định việc áp đặt thuế quan sẽ không bảo vệ được việc làm của Mỹ mà chỉ làm tăng giá hàng hóa và đối tượng chịu thiệt thòi là người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.