Ngày 11/12, tại hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2013, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Viện khảo cổ học công bố nhiều phát hiện có giá trị tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long
Trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 12, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Viện khảo cổ học tiến hành khai quật hai hố H1 và H2 có tổng diện tích hơn 100m2.
Cuộc khai quật này xác định được rõ tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La qua thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn với các di tích kiến trúc xuất hiện dày đặc, chồng xếp lên nhau, vô cùng phong phú, phức tạp.
Lần đầu tiên, các nhà khảo cổ học phát hiện thấy dấu tích móng trụ và sân nền lát gạch thời Lý ở trục trung tâm. Đó là hai dấu tích kiến trúc có hai móng trụ chạy theo hướng Đông-Tây song song với một dấu tích móng tường và dấu tích sân nền lát gạch vuông thời Lý. Tại tầng văn hóa này, các nhà khoa học còn phát hiện góc bắt của đường nước lớn chạy theo hướng Đông-Tây (tìm thấy năm 2012) chạy lên phía Bắc.
Tại tầng văn hóa thời Trần, xuất hiện ba kiến trúc có móng trụ được xây cất bằng ngói vụn, dấu tích tường bao, dấu tích bồn hoa. Tại tầng văn hóa này cũng tìm thấy một cống nước rất lớn có một đoạn chạy song song với đường nước thời Lý (tìm thấy năm 2012).
Theo nhận định của các nhà khoa học, các cuộc khai quật dần hé lộ không gian chính điện Kính Thiên thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Tuy nhiên, hiện nay chưa thấy rõ được bố cục kiến trúc thời Lý và thời Trần ở đây. Các suy luận về trục trung tâm của thời Lý và thời Trần tiếp tục trong thời gian tới.
Tại hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, các nhà khoa học thống nhất cần mở rộng diện tích khai quật khu vực này để làm rõ hơn các địa tầng, trước mắt là khai quật bờ khống chế hai hố H1 và H2, mở rộng khai quật xuống phía Nam làm rõ các di tích đã được phát hiện.
Về lâu dài, cần xây dựng kế hoạch khai quật khu vực này một cách tổng thể, dài hạn, thay vì đào thăm dò như hiện nay.
Quan điểm là khai quật toàn bộ khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long, từ Đoan Môn phía Nam kéo lên phía Bắc, thời gian khai quật có thể kéo dài tới 1-2 thế kỷ, riêng trục trung tâm từ 50-60 năm.
Đối với hai hố khai quật đã đào, các nhà khoa học đề xuất cần trưng bày những di tích đã phát lộ và những di vật tìm thấy phục vụ công chúng tới tham quan Hoàng thành Thăng Long ngay dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Sau đó, hai hố khai quật này sẽ tạm lấp cát để bảo tồn./.