Nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ

Các nhà lãnh đạo của Đức, EC và một số tổ chức quốc tế như IMF, WTO đã cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới.
Nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Getty Images)

Các nhà lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các cơ quan quốc tế khác ngày 11/6 cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới, trong khi Liên minh châu Âu (EU) tán thành tuyên bố của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sau hội nghị thượng đỉnh cho dù không có sự ủng hộ của Mỹ.

Tại một cuộc họp ở Berlin (Đức) do Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì, các quan chức cao cấp của một số cơ quan quốc tế, trong một tuyên bố chung, cho biết “các xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng đã mang lại một sự khích lệ và cơ hội rõ ràng để thể hệ sự ủng hộ mạnh mẽ của chúng tôi đối với hệ thống thương mại đa phương.

[G7: Thương mại toàn cầu cần "tự do, công bằng và cùng có lợi"]

Bà Merkel cho biết các quan chức tham dự cuộc họp trên đã được thuyết phục mạnh mẽ rằng sự phát triển kinh tế thế giới bền vững chỉ có thể đạt được thông qua hợp tác và tình thế cùng có lợi. Theo bà Merkel, với việc Mỹ quyết định áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu, chủ nghĩa đa phương hiện đang ở trong giai đoạn khó khăn và phức tạp”.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định rằng nền kinh tế thế giới đang ở trong trạng thái tốt khi “Mặt Trời vẫn chiếu sáng” với dự đoán kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3,9%/năm trong hai năm 2018 và 2019.

Tuy vậy, bà Lagarde cảnh báo rằng “mây đen sẽ ngày càng nhiều theo từng ngày” và “đám mây đen nhất và lớn nhất là sự suy giảm niềm tin đến từ nỗ lực thách thức cách thức mà hoạt động thương mại đang diễn ra, các mối quan hệ đang diễn ra và các tổ chức đa phương đang hoạt động”.

Trước đó, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas cho biết Liên minh châu Âu (EU) “hoàn toàn ủng hộ” tuyên bố trên và “sẽ tiếp tục đứng lên vì một hệ thống đa phương mại dựa trên quy định quốc tế.

Ông Schinas còn cho biết Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã cảm ơn Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, về “sự chuẩn bị và chủ trì tuyệt vời cho hội nghị thượng đỉnh đầy thách thức” vừa qua của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Về phần mình, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho rằng “chúng ta cần phải ngăn chặn sự leo thang của tình trạng căng thẳng thương mại trên thế giới và việc thực hiện các biện pháp đáp trả thương mại sẽ không có lợi.”

Theo ông, việc Mỹ đang tập trung quá nhiều vào các biện pháp song phương, thậm chí đôi lúc là đơn phương, sẽ không hỗ trợ cho hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc.

Cuộc họp trên có sự tham dự của các quan chức hàng đầu của IMF, WTO, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và một quan chức cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.