Nhiều trung tâm thương mại giảm giá thuê mặt bằng do dịch COVID-19

Qua khảo sát ở một số tuyến phố kinh doanh của Hà Nội cho thấy không ít cửa hàng đã phải đóng cửa hoặc treo biển cho thuê cửa hàng, sang nhượng lại do lượng khách giảm sút, kinh doanh ế ẩm.
Các cửa hàng kinh doanh trên phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm đã tạm đóng cửa. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Các cửa hàng kinh doanh trên phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm đã tạm đóng cửa. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tác động của dịch COVID-19 đang khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ sụt giảm thê thảm.

Trong thời điểm này, có rất nhiều cửa hàng đóng cửa hoặc đăng biển báo sang nhượng cửa hàng.

Để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, nhiều chủ đầu tư trung tâm thương mại đang giảm giá thuê và còn khẳng định thời gian hỗ trợ cũng sẽ linh động tùy thuộc vào diễn biến của mùa dịch.

Qua khảo sát tại một số tuyến phố kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa như Lương Văn Can, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Cót, Chả Cá, Hàng Điếu, Quán Thánh, Phố Huế, Hàng Bài... cho thấy không ít cửa hàng đã phải đóng cửa hoặc treo biển cho thuê cửa hàng, sang nhượng lại do lượng khách giảm sút, kinh doanh ế ẩm.

Anh Phạm Văn Tùng, chủ cửa hàng bán quần áo thời trang trên đường phố Huế, quận Hai Bà Trưng chia sẻ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, không tiêu thụ được hàng hóa.

Trong khi tiền thuê cửa hàng lên đến hơn 20 triệu đồng/tháng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài chắc anh phải trả lại cửa hàng hoặc cho thuê lại vì không còn khả năng để tiếp tục kinh doanh.

Không chỉ hộ kinh doanh cá thể mới rơi vào cảnh thua lỗ, có nguy cơ trắng tay do dịch COVID-19 mà các doanh nghiệp thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại như Vincom, AEON, Big C cũng trong tình trạng lao đao. So với trước khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị giảm từ 40-50%.

Lượng khách đến các cửa hàng ăn uống vào ngày thường giảm từ 20-30%, cuối tuần giảm tới 50%. Doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi, shopping mall giảm tới 40%.

[Siêu thị điện máy bán hàng trực tuyến, giảm giá sâu sản phẩm]

Khách hàng sụt giảm nghiêm trọng khiến doanh thu của các đơn vị kinh doanh nhà hàng, ăn uống… cũng lao dốc. Nhiều doanh nghiệp đã phải lên tiếng kêu cứu, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay, quay vòng lãi suất... để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đại diện phân phối nhãn hãng thời trang Giordano Vietnam chia sẻ, năm 2019 tại Hà Nội, nhãn hiệu thời trang Giordano Vietnam đã mở 3 cửa hàng tại Trung tâm thương mại Vincom Trần Duy Hưng, AEON Long Biên, AEON Hà Đông nhưng hiện thương hiệu này chỉ còn 1 cửa hàng tại AEON Long Biên.

Cùng thực trạng này, Phó Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho biết không chỉ các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, ngay đối với doanh nghiệp lớn như Tổng công ty May 10 với 250 điểm kinh doanh trên cả nước cũng đang “oằn mình" với các khoản chi phí sản xuất kinh doanh; trong đó có tiền thuê mặt bằng.

Trước tình hình này, Công ty Cổ phần Vincom Retail vừa công bố dành 300 tỷ đồng hỗ trợ giảm giá tiền thuê mặt bằng cho các đối tác đang thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống Vincom Retail trên toàn quốc đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, xây dựng chương trình khuyến mại phát hành các voucher ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng tới mua sắm tại Vincom; qua đó thu hút khách đến trung tâm mua sắm.

Thông tin từ Hiệp hội các Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cho thấy Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng từ 20-40% tại các dự án do tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư, thời gian hỗ trợ cũng sẽ linh động tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định tác động của dịch COVID-19 rõ ràng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngành, trong đó ngành dịch vụ đã thấy rõ rệt nhất. Do vậy, việc các chủ đầu tư trung tâm thương mại hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng là hành động thiết thực hỗ trợ đơn vị giảm lỗ, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.