Nhiều vấn đề trong bảo vệ cổ vật, hiện vật trong di tích Hà Nội

Vừa qua, dư luận xôn xao vụ mất cổ vật tại di tích chùa Nền, phường Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) và trước đó là một số vụ mất cổ vật, hiện vật ở các di tích khác trên địa bàn Hà Nội.
Nhiều vấn đề trong bảo vệ cổ vật, hiện vật trong di tích Hà Nội ảnh 1(Ảnh minh họa. Nhật Anh/TTXVN)

Vừa qua, dư luận xôn xao vụ mất cổ vật tại di tích chùa Nền, phường Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) và trước đó là một số vụ mất cổ vật, hiện vật ở các di tích khác trên địa bàn Hà Nội.

Vấn đề này khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc bảo vệ cổ vật, hiện vật, đồ thờ tại di tích, vốn đang bị coi là lỏng lẻo. Dư luận cũng hoài nghi về việc có hay không sự thiếu quan tâm của những người đang trực tiếp trông coi, quản lý di tích?

Theo đơn thư của đại diện Ban quản lý di tích và đại diện các bô lão làng Láng Thượng, cách đây ba năm, chùa Nền bị mất các cổ vật gồm ba sắc phong, bốn tượng Phật bằng đồng đen trên tòa Tam Cửu, một bát hương (có người nói bằng đồng, người nói bằng gỗ), một bia bằng chữ Hán có từ thời tạo dựng chùa.

Còn theo thông tin từ ngành văn hóa, tại hồ sơ xếp hạng di tích, chùa Nền không có bia từ thời tạo dựng chùa và không có bát hương bằng đồng hay bằng gỗ. Các sắc phong và tượng Cửu Long được ghi nhận trong hồ sơ nhưng không ghi niên đại cụ thể.

Thực chất vấn đề này ra sao, mức độ nghiêm trọng thế nào, các cơ quan quản lý văn hóa và công an đang tiến hành xác minh, điều tra làm rõ. Nhưng có thể thấy rằng, hiện vật (có thể là cổ vật) tại di tích chùa Nền nói riêng và các di tích trên địa bàn Hà Nội nói chung chưa được bảo vệ tốt.

Trước đó, chùa Đa Sĩ (quận Hà Đông), chùa và đình Phù Lưu (huyện Ứng Hòa) bị kẻ gian đột nhập lấy đi các đồ thờ cúng quý, từ đỉnh thờ, bát hương, tượng Phật, chuông đồng. Ngay cả chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ) cũng là di tích từng bị kẻ trộm lấy đi các bức phù điêu cổ nhưng may mắn được công an tìm thấy, trao trả cho chùa. Ngoài ra, nhiều di tích khác cũng là điểm nhắm tới của những kẻ trộm cắp cổ vật, hiện vật quý.

Một yếu tố khác tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến mất cổ vật, hiện vật tại các di tích là các vụ hỏa hoạn. Vụ cháy chùa Tảo Sách (quận Tây Hồ) năm 2011 là một điển hình.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cổ vật, hiện vật, đồ thờ cúng trong chùa là công tác bảo vệ chưa thực sự được chú ý. Chưa kể có trường hợp chính người trông coi di tích làm thất thoát các hiện vật, đồ thờ cúng trong di tích. Một mặt, công tác phòng cháy tại các di tích cũng trong tình trạng lơ là, có nguy cơ phá hủy hiện vật, đồ thờ cúng bất cứ lúc nào.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong những năm qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo về tăng cường quản lý các di tích, hiện vật trong di tích nhất là khi có Luật Di sản văn hóa ra đời, công tác này càng được chú trọng. Thành phố Hà Nội đã phân cấp quản lý di tích cho các địa phương để công tác quản lý di tích được phát huy tốt hơn. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý trông coi di tích vẫn còn nhiều bất cập.

Ông Trương Minh Tiến thừa nhận “đây đó còn xảy ra việc mất cắp cổ vật, hiện vật tại các di tích."

Lãnh đạo một phòng văn hóa thông tin cũng cho rằng, công tác bảo vệ hiện vật, đồ thờ trong các di tích hiện đang gặp nhiều khó khăn. Theo lý giải của người này, hiện vật, đồ thờ trong di tích khác với hiện vật tại các bảo tàng. Nếu hiện vật tại các bảo tàng được trưng bày, bảo quản chặt chẽ thì hiện vật trong di tích đang “sống” đúng với công năng của nó, tức là nó đang được sử dụng phục vụ cho việc thờ cúng và còn đưa ra đưa vào từ nhiều nguồn khác nhau. Việc quản lý, trông coi đồ thờ cúng này phụ thuộc vào những người trong ban quản lý di tích và trụ trì di tích. Ngành văn hóa chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn, nhắc nhở, kiểm kê hiện vật trong di tích.

Ngay cả ông Phạm Đình Tùng, đại diện Hội bô lão làng Láng Thượng, quận Đống Đa, cũng khẳng định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ cổ vật, hiện vật tại di tích thuộc về trụ trì chùa. Nhà chùa vừa phải có trách nhiệm nhưng phải vừa có tâm trong bảo vệ cổ vật, hiện vật.

Trước vấn đề này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục tuyên truyền Luật Di sản văn hóa cho các địa phương, ban quản lý các di tích, những người trực tiếp trông coi di tích để nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ di tích, bảo vệ các hiện vật, đồ thờ tại di tích; đồng thời, ngành văn hóa cũng tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân để nhân dân nhận biết về cổ vật, hiện vật và có ý thức gìn giữ. Các ban quản lý di tích phải quy định rõ trách nhiệm cho những người trông coi di tích, nâng cao ý thức bảo vệ hiện vật, đồ thờ trong di tích.

Các di tích cũng cần có phương án bảo vệ cổ vật, hiện vật, kể cả phương án phòng cháy chữa cháy. Một mặt, các lực lượng chức năng cũng cần tăng cường trách nhiệm của các ngành liên quan và phải quản lý tốt việc mua bán, trao đổi hiện vật, cổ vật, kịp thời phát hiện các cổ vật bị tuồn ra từ các di tích.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cũng cho biết cơ quan này đang trình Ủy ban Nhân dân thành phố để chuẩn bị ban hành quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, trong đó đề cập đến trách nhiệm bảo vệ cổ vật, hiện vật, đồ thờ cúng tại các di tích. Hiện vật, cổ vật trong di tích vừa phải được bảo tồn, vừa phải phát huy giá trị. Nhưng bảo tồn không có nghĩa mang cất hòm khóa lại, vì như vậy sẽ mâu thuẫn với phát huy giá trị. Điều quan trọng, người trông coi, quản lý di tích cần phải có ý thức và trách nhiệm gìn giữ. Song cũng không thể không nói đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa trong việc hướng dẫn, kiểm tra việc bảo vệ di tích và các hiện vật tại di tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục