Hướng về dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, một nhóm các kiến trúc sư và nhà nghiên cứu trẻ đã sử dụng công nghệ 3D để phục dựng Bảo vật Quốc gia Cột đá Chùa Dạm ở Bắc Ninh - công trình gắn liền với nhà Lý, vương triều đầu tiên định đô ở Thăng Long.
Công trình là kết quả từ 8 năm trực tiếp tham gia tiến hành khảo cổ của nhà nghiên cứu trẻ Đào Xuân Ngọc (sinh năm 1987) và nhóm 3DART, đứng đầu là kiến trúc sư Đinh Việt Phương (sinh năm 1981), một người cũng có đam mê phục dựng lịch sử. Phương chính là người kết hợp với Ashui.com mở triển lãm 3D phục dựng phố cổ Hà Nội vào năm 2008 và từng đại diện cho cả nhóm nhận giải Bùi Xuân Phái-Vì Tình yêu Hà Nội vào năm 2009, ngay trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Việc phục dựng cột đá Chùa Dạm chính là sự nối tiếp cho dòng chảy ấy, bởi ngôi chùa cổ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Phật giáo Việt Nam cũng như vương triều Lý. Cột đá chùa Dạm cũng được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2018.
Từ việc làm thêm đến công trình 8 năm
Đào Xuân Ngọc kể rằng, lý do khiến chàng sinh viên ngành Lịch sử mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Việt Nam theo đuổi ngành khảo cổ vừa là để thỏa mãn niềm yêu thích, vừa nhằm kiếm thêm thu nhập. Năm 2008, khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Ngọc theo chân các nhà nghiên cứu tới khai quật khu di tích chùa Phật Tích và bị cuốn vào công việc đầy đam mê này. Năm 2012, anh tiếp tục tham gia khảo cổ tại khu di tích chùa Dạm, thuộc vào nhóm những ngôi chùa lớn nhất thời Lý lúc bấy giờ.
Năm 2013, Ngọc đã cùng nhóm khảo cổ đã đào xuống đáy của chân cột phế tích ở chùa Dạm và phát hiện nhiều đá chèn và sỏi, bằng chứng cho thấy các kiến trúc sư thời đó đã đầm cây cột rất kỹ để chịu lực cho một khối vật thể lớn phía trên.
Trong các năm sau đó, nhóm của Ngọc kết hợp với các kết quả nghiên cứu từ trước, cụ thể là của nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn năm 2014, khẳng định hai tàn tích: Chiếc cột đá (vị trí A trong hình) chính là phần trên của phần tàn tích bệ vuông (vị trí B trong hình), ngự trên cột đá chính là kiến trúc một tòa điện khoảng 12m2, bên trong đặt một tượng Phật. Tuy nhiên, vua quan chỉ thực hiện diễn xướng, cúng bái từ phía dưới chứ không xây dựng thang lên tòa điện.
Không ngừng tham khảo tư liệu lịch sử như công trình nghiên cứu trước đó,... nhóm khảo cổ của Ngọc tiếp tục tính toán dựa trên số liệu và tàn tích thu thập được, phán đoán khả năng chịu lực qua khối lượng đá, kết cấu của bệ đá, tái lập các họa tiết có trên cột đá theo quan niệm “cửu sơn bát hải” (chín núi, tám biển vây quanh, tôn vinh nơi thờ Phật ở trung tâm)... làm tiền đề để tiếp tục tái thiết kế ngôi điện gỗ phía trên.
“Trong giới khảo cổ, chúng tôi rất thiếu tư liệu thiếu kiến trúc sư để có thể tạo nên một cấu trúc đỉnh cao. Từ dưới đất, chúng tôi khai thác ‘phần âm’ dưới đất, ra được công trình thì là ‘phần dương’ của những người như anh Phương,” Ngọc cho biết.
Trong khi ấy, Đinh Việt Phương đã có những đam mê với phục dựng họa tiết, kiến trúc cổ từ những năm 2008, 2009 nhưng chưa có nhiều cơ sở về khảo cổ nên đôi khi chỉ… vẽ bừa cho thỏa sức sáng tạo. Vì vậy, Phương coi cơ hội giao thoa, kết hợp với giới nghiên cứu, đặc biệt là người trực tiếp tham gia khảo cổ như Ngọc là một sự may mắn, pha với chút phấn khích.
Góp phần kiến giải lịch sử
Hiện trong giới nghiên cứu vẫn còn chia rẽ trong việc giải mã ý nghĩa biểu tượng của cột đá chùa Dạm.
Nếu dựa vào chi tiết những rãnh dầm, lỗ đá còn nguyên vẹn ở phần trên cùng của cây cột, nhiều người cho đó hẳn phải là lỗ kỹ thuật và trụ đá chắc là phần trụ đỡ cho một kiến trúc là toà sen hay một ngôi chùa nhỏ ở phía trên, giống như Chùa Diên Hựu (tức Chùa Một Cột) ở Hà Nội, cũng được xây dựng vào thời Lý.
Nhưng cũng có quan điểm cho rằng cột cũng là một “mukhalinga” trong tín ngưỡng phồn thực bản địa của người Việt cổ, cũng như trong văn hóa Ấn Độ, giống như các công trình kiến trúc thường thấy ở di tích Chămpa. Vấn đề là ở chỗ, trên cột lại có chạm hình cặp rồng, vốn là biểu tượng của triều đình phong kiến, ảnh hưởng từ văn hoá phương Bắc. Do đó, việc phục chế cột đá bằng công nghệ 3D sẽ góp phần kiến giải ý nghĩa thực sự của di chỉ.
Nếu chỉ dừng lại ở bản vẽ 2D trên giấy phẳng thì có lẽ dự án sẽ khó gây chú ý với người trẻ, và có thể sẽ tiếp tục ở lại trong giới nghiên cứu, khảo cổ để người trong ngành đàm đạo với nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Phương và Ngọc coi bản vẽ 3D là phiên bản cuối cùng. Là những người trẻ cởi mở với niềm đam mê và tôn trọng lịch sử, hai anh luôn đón nhận phản hồi từ nhiều phía trên tinh thần cùng đóng góp, xây dựng để cùng hướng đến sự thật lịch sử.
[Khởi động dự án Bách khoa toàn thư mở WikiHanoi]
Đinh Việt Phương cũng nêu quan điểm rằng việc Việt Nam là giao thoa văn hóa của khu vực Á Đông, chịu ảnh hưởng từ văn hóa, kiến trúc Trung Quốc, Ấn Độ, Chămpa là điều bình thường, không nên né tránh. “Cần định nghĩa được và tự hào về những thứ mình đã làm ra, phát triển trên cơ sở kế thừa văn hóa. Nếu không thì chúng ta sẽ mãi không hiểu cái riêng của Việt Nam nằm ở kiến trúc một trụ đỡ, từ hoa văn, cách sử dụng và phối hợp các vật liệu với nhau vì vốn điều này phải tùy thuộc vào từng địa phương, cảm nhận về màu sắc cho đến tỷ lệ của các thành phần trong một tổng thể cấu trúc," Phương chia sẻ.
Bản thân Đào Xuân Ngọc đã tổng hợp và đăng tải những ý kiến phản biện vào bài viết giới thiệu dự án trên trang Facebook cá nhân. Ngọc và Phương cho biết hai anh tiếp nhận đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng về việc nên lược bỏ một số chi tiết để tôn thêm vẻ trang nhã, cân bằng, tránh gây cảm giác rối và nặng nề cho công trình...
Sau khi xem đoạn video 3D phục dựng cột đá Chùa Dạm, tiến sỹ Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sử học đánh giá rất cao nỗ lực của nhóm kiến trúc sư cả về cấu trúc tổng thể cũng màu sắc. Ông cho rằng bản dựng trong không gian ba chiều sắc nét, màu sắc trầm mặc tạo nên cảm giác cổ kính và trang nghiêm, như thể đưa người xem trở lại quá khứ gần 1000 năm trước./.
Xem video bản phục dựng 3D kiến trúc chùa Dạm tại đây:
Theo chính sử, năm 1086, Vua Lý Nhân Tông đã ban lệnh cho xây chùa trên khuôn viên rộng 8.000m2, chia thành 4 bậc cấp cao dần ở vùng đất nay là xã Nam Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, chùa luôn được mở mang quy mô và trở thành công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất của cả hai triều đại Lý, Trần. Bảo vật Quốc gia Cột đá Chùa Dạm chính là một trong những di chỉ hiếm hoi còn sót lại của ngôi chùa nổi tiếng này và được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao cả về giá trị lịch sử lẫn mỹ thuật, với hình khắc nổi cặp rồng thời Lý. Cặp rồng cũng chính là đôi linh vật được phục dựng trong tác phẩm điêu khắc mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long đặt ở Hồ Tây cũng như nhiều phiên bản được rải rác khắp Hà Nội dịp này. |