Nhu cầu tuyển dụng lao động đang ''ấm'' dần lên trong nửa đầu năm 2021

Với sự kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Chính phủ và ý thức chấp hành chống dịch tốt của người dân, nền kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, nhu cầu sản xuất kinh doanh, tuyển dụng ngày càng gia tăng,
Lĩnh vực sản xuất , chế tạo có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)
Lĩnh vực sản xuất , chế tạo có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong số những nền kinh tế lớn ở ASEAN vẫn có mức tăng trưởng dương với mức tăng GDP năm 2020 là 2,9% trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tác động sâu  rộng lên mọi mặt trên toàn cầu. Nổi bật là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8%, đóng góp 1,25% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Phục hồi kinh tế với mức tăng trưởng dương được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến triển vọng tuyển dụng trong tương lai. Xu hướng tuyển dụng trong nửa đầu năm 2021 được dự đoán sẽ gia tăng hơn so với hai quý cuối năm 2020.

Sản xuất chế tạo có nhu cầu tuyển dụng lớn

Kết quả khảo sát của ManpowerGroup Việt Nam cho thấy có đến 56% doanh nghiệp có ý định gia tăng hoạt động tuyển dụng, trong khi 37,3% cho hay họ không có ý định tuyển thêm. Chỉ có 6,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ giảm tuyển dụng.

Theo và Lê Thị Kim, Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam vẫn còn rất nhiều lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất, chế biến, lắp ráp cho đến thực phẩm, kho bãi… nhờ nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, sẵn sàng thích ứng với nhu cầu đa đạng của nhà tuyển dụng.”

“Hiện nay, chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu cung ứng nhân công với số lượng lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo như: Lắp ráp linh kiện điện tử, chế tạo và lắp ráp ôtô, xe máy, sản xuất bao bì, kho bãi và vận chuyển…. Đặc biệt, mức thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam đã tăng lên 321 USD/tháng (tăng 38,6% so với 2020), tạo điều kiện thuận lợi để người lao động phổ thông yên tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp,” bà Lê Thị Kim nói.

Kết quả khảo sát của ManpowerGroup Việt Nam cũng cho thấy một tín hiệu tích cực chính là nhu cầu tuyển dụng đang dần phục hồi và quay trở lại mức trước COVID-19. Có 66% doanh nghiệp dự báo hoạt động tuyển dụng của họ sẽ trở lại mức trước COVID-19 trong vòng ba tháng tới, tỷ lệ cao gấp ba lần so với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn mốc thời gian 6 tháng (22%).

Trong dài hạn, chỉ có khoảng 3,2% doanh nghiệp dự đoán sẽ phải mất hơn một năm để hoạt động tuyển dụng quay trở lại bình thường như trước COVID-19.

Nhu cầu tuyển dụng lao động đang ''ấm'' dần lên trong nửa đầu năm 2021 ảnh 1

Kế hoạch tuyển dụng ấm lên trong 3-6 tháng tới thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chế tạo, xây dựng, bán buôn, bán lẻ và thương mại, vận tải và hậu cần, công nghệ thông tin... Đặc biệt, sản xuất có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Lĩnh vực xây dựng cũng trở lại mạnh mẽ nhờ vào tăng trưởng kinh tế trong năm qua. Cả hai lĩnh vực trên đều chiếm 19% trong số những doanh nghiệp kỳ vọng tuyển dụng phục hồi trong 3-6 tháng tới.

[Thị trường lao động năm 2021 khởi sắc theo “làn sóng” dòng vốn FDI]

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc dịch vụ Tuyển dụng Cấp cao và Tư vấn nhân sự của ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ: “Với sự kiểm soát dịch bệnh hiệu quả của Chính phủ và ý thức chấp hành chống dịch tốt của người dân, nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực với nhu cầu sản xuất kinh doanh ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ về Việt Nam, tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm trong nước.”

“Theo quan sát của chúng tôi, thị trường việc làm đang chứng kiến những nhu cầu gia tăng mạnh ở các vị trí đòi hỏi các kỹ năng phù hợp với bối cảnh hiện tại như chuyên gia phân tích, chuyển đổi số, an ninh mạng, công nghệ tài chính (fintech), kỹ sư phần mềm….” bà Nguyễn Thu Trang nói.

Kỳ vọng tăng lương trong năm 2021

Cùng với sự “ấm lên” của nhu cầu tuyển dụng, những người đi làm cũng đặt nhiều kỳ vọng sẽ được tăng lương trong năm 2021.

Nhu cầu tuyển dụng lao động đang ''ấm'' dần lên trong nửa đầu năm 2021 ảnh 2Người lao động kỳ vọng được tăng lương trong năm 2021. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Theo khảo sát về thị trường nhân sự 2021 của Navigos Group, có 43% người tham gia chia sẻ chưa từng đề xuất tăng lương trong năm 2020 và 42% cho biết họ vẫn được tăng lương với các mức tăng từ dưới 3% đến trên 20%. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, người lao động thể hiện sự kỳ vọng lớn hơn với việc tăng lương.

Khi được hỏi về việc tăng/giảm lương tại doanh nghiệp, 10% người tham gia khảo sát cho biết mức lương của họ sẽ giảm từ dưới 3% đến hơn 20%; 18% cho rằng mức lương sẽ không thay đổi. Có đến 61% còn lại cho rằng mức lương của họ sẽ được điều chỉnh theo những tỷ lệ nhất định, từ 3% đến trên 20%.

Trong nhóm điều chỉnh lương, quản lý cấp trung (giám sát/trưởng nhóm)là nhóm đề xuất tăng lương nhiều nhất. có đến 65% cho biết họ đã từng đề xuất tăng lương và theo những tỷ lệ khác nhau.

Đối với các nhóm phó giám đốc/giám đốc, phó phòng/trưởng phòng, ban điều hành C-level (cấp phó tổng giám đốc/tổng giám đốc), tỷ lệ ứng viên đã từng đề xuất chiếm vào khoảng gần 50%.

Riêng đối với nhóm ứng viên mới ra trường là nhóm có tỷ lệ ít đề xuất tăng lương nhất, chiếm vào khoảng 44% cho biết họ đã từng đề xuất tăng lương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục