Những con người lặng lẽ trong tâm dịch: Nối mạch an sinh xã hội

Một bộ phận không nhỏ người lao động được cấp phép làm nhiệm vụ phục vụ các nhu cầu thiết yếu đã góp phần thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội ở tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa. (Ảnh : Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Trong những tháng ngày qua, cùng với các đội ngũ trên tuyến đầu tích cực phòng, chống dịch còn có lực lượng công nhân, người lao động luôn bận rộn, miệt mài làm những phần việc thật sự cấp thiết, song cũng nhiều rủi ro, hiểm nguy.

Đó là những phần việc không thể thiếu và một phần tất yếu để cùng chiến thắng đại dịch COVID-19 giữa lòng thành phố đang giãn cách.

Thành phố Hồ Chí Minh đang trong thời gian dịch bệnh bùng phát với hàng nghìn ca mắc mỗi ngày khiến toàn xã hội phải giãn cách “ai ở đâu, ở yên đó.”

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người lao động được “cấp phép đi đường” để làm nhiệm vụ phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân, xã hội. Và từ những công việc đó, những thói quen, cách thích nghi mới đã được hình thành, góp phần thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội cũng như công tác an toàn phòng, chống dịch.

Hình thành thói quen phòng vệ an toàn

Từ ngày dịch bùng phát, anh Trần Công Nghĩa, quê ở Đắc Nông (vào Thành phố gần 4 năm nay) cùng hai đồng nghiệp làm việc, ăn, nghỉ tại chỗ trong chuỗi cửa hàng thực phẩm ở quận Bình Thạnh.

Trong suốt thời gian làm việc, anh thường tiếp xúc với khách hàng là những người mua mang đi hay các shipper. Anh Nghĩa và các đồng nghiệp của mình đã hình thành thói quen "bất di, bất dịch" là luôn phun xịt khử khuẩn nhất là khi thanh toán hóa đơn, phun xịt toàn thân, thay đồ, tắm giặt ngay sau khi đóng cửa hàng.

Anh Nghĩa cho biết dù cửa hàng đã có các trang bị phòng dịch, song mỗi nhân viên bán hàng phải tự phòng vệ cho bản thân bởi những nguy hiểm khó lường, nhất là thường xuyên ở trong phòng lạnh, mỗi ngày tiếp xúc hàng trăm lượt người khiến ai cũng luôn có cảm giác lo lắng sẽ bị mắc COVID-19. "Bán hàng ở gần khu cách ly hay khu dân cư đông đúc, có biết ai là F2, F1 hay thậm chí là F0 đâu nên áp lực rất lớn…” - anh Nghĩa chia sẻ.

Bởi vậy, anh Nghĩa cùng các đồng nghiệp luôn ghi nhớ, cẩn thận một chút vẫn hơn, vừa đảm bảo cho bản thân mình vừa an toàn cho cả cộng đồng. Lo lắng, vất vả nhưng giúp giải quyết phần nào các nhu cầu cấp thiết của người dân trong những ngày dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài cũng thấy ấm lòng.

[TP.HCM dần nới lỏng giãn cách, đảm bảo an sinh và an toàn dịch bệnh]

Chị Lê Thị Bích Thu là nhân viên bán hàng kiêm thu ngân tại một cửa hàng thực phẩm trên đường Cách mạng tháng Tám (Quận 3). Công việc này đã góp phần đảm bảo cuộc sống của gia đình chị trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Tuy nhiên, theo chị Thu, điều đó khiến chị nhiều lúc rất lo lắng, mệt mỏi, nhất là sau mỗi buổi sáng thức dậy phải luôn "căng não", tự đấu tranh với bản thân bởi ám ảnh bị nhiễm bệnh từ việc tiếp xúc khách hàng hàng ngày.

Chị Thu cho biết tại thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini dù đã thực hiện tốt các quy định, khuyến cáo của ngành Y tế, nhưng cũng lần lượt bị phong tỏa do có liên quan đến F0. Nhân viên bán hàng phải thực hiện cách ly tại chỗ hoặc tập trung sau khi thực hiện test nhanh khiến cuộc sống gia đình bị xáo trộn, nhất là đối với phụ nữ.

Do lo ngại nên chị Thu luôn mang bên người chai xịt sát khuẩn, tự phòng thân bằng nhiều biện pháp và các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế cùng với các trang bị đảm bảo an toàn phòng dịch của cửa hàng để phục vụ khách đến mua sắm, thanh toán.

Theo chị Thu, khoản thu nhập trong thời điểm khó khăn này thật sự rất có giá trị, nhất là đối với người lao động ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để có khoản thu nhập này, chị phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm bệnh, điều trị mất rất nhiều thời gian, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

“Thôi thì tùy cơ ứng biến, làm trong lúc này không chỉ cho bản thân mà còn vì nhu cầu của xã hội. Mỗi người cố san sẻ, giữ mình thật tốt để là một phần tất yếu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19,” chị Thu chia sẻ.

Dịch COVID-19 hoành hành, diễn biến phức tạp khiến ai cũng nơm nớp lo sợ. Nhưng cuộc sống không vì thế mà dừng lại, người dân không tiêu dùng hay người lao động ngừng việc. Nên dù sợ, nhưng người bán hàng hay shipper vẫn phải làm việc để duy trì mạch cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu phong tỏa, cách ly.

Tất bật những chuyến xe giao hàng

Là trụ cột gia đình nên dù dịch có bùng phát hay diễn biến phức tạp anh Nguyễn Hữu Tài (quê Trà Vinh, hiện ở trọ tại Rạch Lồng Đèn, Phường 7, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) hàng ngày vẫn rong ruổi cùng chiếc xe giao hàng để lo cuộc sống cho hai vợ chồng cùng đứa con nhỏ.

Lực lượng giao hàng công nghệ (shipper) được hoạt động trở lại tại 8 địa phương vùng đỏ ở TP.HCM. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Sau khi khấu trừ tiền quản lý, tiền xăng nhớt, anh Tài còn khoảng 200.000 -300.000 đồng/ngày. Đặc biệt từ ngày giãn cách xã hội, nhu cầu của khách hàng càng cao, thu nhập của anh cũng cao hơn.

Anh Tài cho biết, cuộc sống gia đình có thể nói là tạm ổn trong những ngày được cho phép hoạt động nhưng cái lo lắng nhất là sự hao mòn về tinh thần, sức lực và cả thể chất. Đi đâu cũng nơm nớp lo sợ bởi dịch bệnh khó lường, 2 lần/tuần phải thực hiện xét nghiệm.

Trong thời gian dịch COVID-19, ngoài khẩu trang, anh Tài luôn sử dụng tấm chắn giọt bắn, áo khoác, găng tay, giày, mũ bảo hiểm và chuẩn bị thêm chai dầu gió, thuốc cảm, nước uống, chai xịt khử khuẩn. “Trước khi đi làm hay khi giao, nhận hàng, tôi luôn cẩn thận xịt khắp cả người lẫn tiền và hàng hóa…” - anh Tài chia sẻ.

Tuy trang bị khá đầy đủ, nhưng anh Tài cũng như nhiều đồng nghiệp vẫn e ngại khi giao hàng ở các khu phong tỏa, cách ly, nhất là tại các bệnh viện điều trị, cấp cứu bệnh nhân COVID-19. Khi nhận đơn hàng giao đến những khu vực này biết bao nguy hiểm rình rập; người nhà bệnh nhân, người giao hàng tụ tập đông đúc; vừa lo sợ, vừa mất rất nhiều thời gian kiểm duyệt, ghi rõ tên tuổi người nhận.

“Đôi lúc muốn bỏ cuốc, trả hàng… Nhưng nếu shipper nào cũng làm vậy sẽ gây khó khăn lớn cho người đặt hàng, người dân có nhu cầu cấp thiết. Mang theo chai khử khuẩn phun xịt liên tục với hy vọng bản thân không bị “dính” để không lây nhiễm cho gia đình, con trẻ ở nhà,” anh Tài chia sẻ.

May mắn hơn, em Đoàn Minh Hậu, quê ở Bình Định ở trọ tại đường Bùi Đình Túy, Phường 25, quận Bình Thạnh chỉ phải lo cho bản thân bởi đang là sinh viên năm 3 Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Từ hơn 2 năm nay, Minh Hậu tranh thủ lúc rảnh rỗi, ngoài giờ học để làm shipper kiếm thêm thu nhập chi trả học phí, thuê nhà hay mua sách vở. Thu nhập bình quân của Hậu từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày, tùy vào số giờ hoạt động và số đơn hàng.

Minh Hậu cho biết thời gian gần đây, dịch bệnh kéo dài làm cho cuộc sống càng thêm khó khăn, nhất là khi Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”, nhiều shipper phải tạm dừng công việc. “Em không có thu nhập trong thời điểm dịch bệnh, nhưng được chủ nhà trọ hỗ trợ giảm tiền thuê nhà, thỉnh thoảng các tổ chức từ thiện hỗ trợ mì, gạo nên cũng cầm cự được để chờ qua dịch,” Minh Hậu chia sẻ.

Mới đây, shipper đã được phép hoạt động trong nội quận. Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, ngày 16/9, các shipper sẽ được chạy liên quận. Minh Hậu cho biết, cuộc sống không chỉ khó khăn hơn mà còn thêm nhiều nguy hiểm bởi số ca mắc còn rất nhiều. Việc chuyển hàng hóa giữa những ngày “ai ở đâu, ở yên đó” vừa giúp ta vừa giúp người giải quyết những nhu cầu cấp thiết. Có những trường hợp người thân cách nhau vài km nhưng không biết giúp nhau bằng cách nào hay những lúc ốm đau, con cái ở xa cha mẹ không thể làm gì khác mới thấy shipper thật sự cần thiết.

Anh Dương Văn Nam cùng nhiều đồng nghiệp đang xếp hàng chờ giao hàng trước cổng Bệnh viện Trưng Vương cho rằng: việc ra đường trong những ngày này ai cũng e ngại, nên nếu buộc phải ra đường mỗi người nên cố giữ an toàn cho mình.

"Có mở app mới thấy rất nhiều người cần giúp đỡ. Song, bươn chải trong thời điểm này, tôi cũng đã tự mình xác định "một chân bên ngoài và một chân bên trong khu cách ly". Nếu không may có ca nhiễm trong khu mình ở, sẽ bị phong tỏa mất 14 hay 21 ngày hoặc nhiều hơn nữa. Còn nếu lỡ bị mắc COVID-19 sẽ chạy thẳng vào trong đây…” - anh Nam vừa cười vừa chỉ tay vào trong Bệnh viện Trưng Vương.

Ghi nhận từ các group shipper GrabMart và GrabExpress, BeGroup, AhaMove cho thấy, không ít người đã bị mắc COVID-19 từ công việc giao hàng hàng ngày dù đã hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng xịt cồn, xịt khuẩn liên tục. Thế mới thấy, được tiền kiếm không dễ bởi nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, nên có đến hơn 70% tài xế đã ngừng chạy.

Theo Sở Công Thương Thành phố, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 22.000 shipper của 33 đơn vị doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại trên địa bàn 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Trong điều kiện giãn cách xã hội, mỗi shipper có thể giao nhận 20-25 đơn hàng/ngày, như vậy nếu huy động được 25.000 shipper, có khả năng phục vụ nhu cầu khoảng 500.000-650.000 hộ gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục