Trong những năm qua, Giải thưởng Sách Quốc gia đã lựa chọn được những cuốn sách có chất lượng cao về tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Lễ trao giải thưởng lần thứ năm đã gần kề. Nhân dịp này, ông Hoàng Phong Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, Ủy viên thường trực Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về những điểm đặc biệt của mùa giải năm nay.
Thiếu vắng sách điện tử
- Thưa ông, xin ông cho biết đánh giá chung về các cuốn sách tham dự Giải thưởng Sách quốc gia năm nay?
Ông Hoàng Phong Hà: Giải thưởng Sách quốc gia năm nay có 48/57 nhà xuất bản tham gia với 298 tựa sách, bao gồm 386 cuốn (tăng 14 tựa sách và 21 cuốn sách so với mùa giải lần thứ IV). Toàn bộ sách dự giải là sách in, chưa có sách điện tử. Mảng sách dịch năm nay cũng giảm về số lượng so với các mùa trước.
- Theo ông, Giải thưởng Sách quốc gia liệu đã phản ánh đúng hoạt động xuất bản trong năm qua hay chưa?
Ông Hoàng Phong Hà: Phải thừa nhận rằng việc chưa có sách điện tử tham gia là rất đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh ngành xuất bản đã nỗ lực chuyển đổi số trong thời gian qua và các đầu sách điện tử, sách nói cũng đã tăng lên rất nhiều. Chúng tôi sẽ họp bàn để giải quyết vấn đề này.
Nhìn chung, Giải thưởng Sách quốc gia đã phản ánh đúng thực trạng của hoạt động xuất bản với 5 mảng sách: Chính trị, kinh tế; Khoa học tự nhiên và công nghệ; Khoa học xã hội và nhân văn; Văn hóa, văn học và nghệ thuật; Thiếu nhi.
Ở góc độ tổng thế, tôi vẫn thấy những dấu hiệu đáng mừng. Đó là số lượng phát hành tăng, doanh thu của ngành xuất bản trong năm 2021 là gần 3.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay (tăng 12,4% so với năm 2020). Số lượng sách tham dự giải cũng cao hơn mùa trước.
[Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ V: Nhiều sách tái bản lọt vào đề cử]
- Hội đồng đã thống nhất trao giải cho 26 cuốn sách, bộ sách, trong đó có 1 giải A ở hạng mục Sách khoa học xã hội và nhân văn, 9 giải B và 16 giải C. Vì sao số lượng giải A lại ít như vậy?
Ông Hoàng Phong Hà: Theo điều lệ, những sách tham gia dự giải phải được in và nộp lưu chiểu từ ngày 1/11/2020 đến 31/10/2021. Đây là thời kỳ tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, ngành xuất bản chịu ảnh hưởng nhất định dù rất cố gắng cho ra những tác phẩm chất lượng. Ở hạng mục sách Văn hóa văn học và nghệ thuật, thị trường có nhiều sách hay nhưng chưa thỏa mãn quy chế nộp lưu chiểu của hội đồng nên không đủ điều kiện xét giải.
Tôi cho rằng đây cũng là một điều đáng tiếc song, kết quả này không phải là cá biệt. Những mùa giải qua, không mùa nào có đủ 5 giải A cho 5 hạng mục sách và chúng tôi chưa bao giờ tìm được giải Đặc biệt.
- Xin ông cho biết điểm đặc biệt nhất của Giải thưởng Sách quốc gia năm nay?
Ông Hoàng Phong Hà: Đây là lần đầu tiên Hội đồng công bố các đề cử trước khi trao giải. Các năm trước, danh sách này thường được giấu kín. Tôi cho rằng đây là động thái cầu thị. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi đóng góp, phản biện từ các chuyên gia và độc giả xoay quanh các cuốn sách được đề cử. Nếu có phát hiện sai sót, Hội đồng sẽ kịp thời điều chỉnh, bổ sung. Như vậy, lễ trao giải sẽ vinh danh những cuốn sách thực sự xứng đáng, không lo ngại “điều tiếng” về sau.
Qua đây, tôi cũng xin bày tỏ mong muốn nhận được những góp ý từ cộng đồng, để việc kiểm định sách được công tâm và chính xác hơn nữa.
- Nhìn vào danh sách đề cử, tôi thấy thiếu vắng những cuốn sách về dịch bệnh COVID-19 hay vaccine, trong khi đây là vấn đề nổi bật trong năm qua và cũng nhiều đơn vị có sách về nội dung này. Theo ông, lý do là vì sao?
Ông Hoàng Phong Hà: Như tôi đã nói, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia chỉ nhận sách in và nộp lưu chiểu từ 1/11/2020 đến 31/10/2021. Do đó, các đơn vị xuất bản chưa kịp phát hành và nộp lưu chiểu trong thời gian này nên không thể gửi sách tham dự, hoặc có gửi cũng sẽ bị coi là phạm quy, không được xét giải.
Sẽ tăng giá trị giải thưởng
- Trải qua 4 mùa giải trước, có ý kiến cho rằng sách được giải còn mang tính chính trị, tuyên truyền chưa thực sự hấp dẫn. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Ông Hoàng Phong Hà: Tôi khẳng định hội đồng chấm giải đã làm việc thận trọng, nghiêm túc, khách quan và đã lựa chọn được những cuốn sách tiêu biểu, có giá trị cao để trao giải.
Hội đồng sơ khảo trước đây thường chỉ có 5-6 người, nhưng từ mùa giải thứ tư, ban tổ chức đã nâng số thành viên, chọn các chuyên gia với đa dạng độ tuổi, đạt tiêu chuẩn về kiến thức chuyên môn, điều kiện, sức khỏe để thẩm định.
Tôi xin cung cấp vài thông tin về hội đồng, chẳng hạn như mảng sách văn học có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), nhà văn Lê Phương Liên, nhà thơ-nhà báo Trần Hữu Việt; mảng sách khoa học xã hội có giáo sư Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), phó giáo sư-tiến sỹ sử học Tạ Ngọc Liễn, phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Hoài Sơn (Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội). Ngoài ra, để thẩm định về mặt thẩm mỹ của sách, chúng tôi mời họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.
- Đây là lần thứ năm Giải thưởng Sách quốc gia được tổ chức. Theo ông, giải thưởng có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội?
Ông Hoàng Phong Hà: Trải qua 5 năm, Giải thưởng Sách Quốc gia đã khuyến khích, tôn vinh những người sáng tác và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam, góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng định hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập.
Giải thưởng khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; nâng cao nhận thức, vai trò của người đọc đối với sách, góp phần quảng bá văn hóa đọc đến mọi tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội đối với việc tuyên truyền và thúc đẩy văn hóa đọc.
- Theo ông, giải thưởng còn những hạn chế gì cần sửa đổi?
Ông Hoàng Phong Hà: Sau mỗi mùa giải, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đều họp lại để ghi nhận những góp ý với tinh thần xây dựng, tìm cách hoàn thiện quy chế, nâng tầm giải thưởng qua các năm.
Cuối tháng 10/2022, chúng tôi sẽ có một cuộc hội thảo tổng kết 5 năm tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia để đúc rút kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng giải thưởng.
Trước mắt, chúng tôi có một số đề xuất như sau: Thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhà xuất bản có nhiều sách hay, đề tài hay, gửi được nhiều sách tham gia tranh giải; tạo điều kiện tổ chức lớp bồi dưỡng tác giả sách, cho các tác giả có cơ hội trải nghiệm để viết được sách chất lượng; tăng giá trị phần thưởng để khuyến khích những cá nhân, tập thể làm sách.
Để có sách tham dự giải phong phú, đa dạng hơn về nội dung, thể loại và hình thức, chúng tôi sẽ phối hợp với các hội nghề nghiệp, để các hội cũng có thể giới thiệu sách tham gia. Cụ thể, chúng tôi đã làm việc với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều để tới đây Nhà xuất bản Hội Nhà văn tham gia giải tích cực hơn.
Như vậy, Giải thưởng sẽ ngày một chất lượng, tập hợp những cuốn sách hay nhất để giới thiệu đến bạn đọc./.