Đường lên nóc nhà Đông Dương cao 3.143m ngày nay đã dễ dàng hơn so với trước cùng sự xuất hiện của cáp treo. Nhưng chuyện chinh phục vẫn luôn rình rập nhiều hiểm nguy không thể lường trước.
Đỉnh Fansipan nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn (thuộc tỉnh Lào Cai), là đỉnh núi cao nhất Việt Nam và Đông Dương. Từ năm 2006, leo Fansipan đã trở thành một trong những trào lưu lớn mạnh nhất của giới đi bụi. Một câu nói đã được truyền tụng “Phi Fan bất phượt ký” - nghĩa là chưa leo đến đỉnh Fansipan thì chưa phải là dân “phượt."
Chinh phục đỉnh Fansipan có ba tuyến đường để lựa chọn. Từ Cát Cát lên phải đi mất ba ngày đường, từ Sín Chải leo dây qua và từ Trạm Tôn có đường mòn đi lại dễ dàng hơn. Ngoài ra, phải kể đến tuyến cáp treo đưa khách đều đặn mỗi ngày.
Leo Fansipan ngày nay trở thành một trong những tuyến du lịch chính của Sapa. Dù đường leo Fansipan đã có cả ngàn người đi thành lối mòn nhưng nó vẫn là một thử thách với bất cứ ai. Nhiều người đã phải bỏ giữa chừng vì không được chuẩn bị tốt về sức lực, hành trang và tinh thần.
Hệ sinh thái trong những cánh rừng của dãy Hoàng Liên Sơn vô cùng phong phú với cây cỏ và rừng cổ thụ rậm rạp cùng nhiều cạm bẫy, khe suối, vực sâu thăm thẳm - vô cùng nguy hiểm.
Khi leo Fansipan nếu không có người dẫn đường rất dễ bị lạc lối bởi có những điểm đen được nhắc đến và rất nhiều hiểm nguy khác mà bất cứ ai khi quyết định leo Fansipan đều phải cẩn trọng.
Điểm đen từ Cát Cát
Từ điểm cao 1.800m là quãng đường dốc ngược theo một dòng thác dựng đứng với những khối đá tảng trơn trượt. Bạn phải bám vào những phiến đá này để leo lên điểm cao 2.000m. Gặp mùa mưa, con đường này sẽ vô cùng nguy hiểm bởi dòng thác đổ xuống từ trên cao.
Từ điểm cao 2.000m, di chuyển bằng cách bám vào những rễ cây cổ thụ bám vào vách núi. Vùng rừng ẩm thấp, nhiều thảm lá mục dày cùng những hố bùn nhão nhoét khó đi.
Điểm đen từ Sín Chải và Trạm Tôn
Từ điểm cao 2.700m theo đường Sín Chải, bạn phải leo bằng dây thừng, đòi hỏi nhiều sức khỏe và kinh nghiệm leo núi.
Từ điểm cao 2.800m di chuyển qua khu rừng trúc, địa hình dốc lên liên tục, nhiều đoạn phải dùng tới thang sắt để vượt qua.
Từ điểm cao 2.900m qua rừng trúc lùn bằng đường mòn có tay vịn, đường sống lưng cá chạy một vệt nơi đỉnh núi, nhỏ hẹp, vượt qua các vách đá dựng đứng.
Từ điểm cao 2.600m lên 3.000m gió to, nếu có mưa phải cẩn trọng hơn trong mỗi bước đi để đảm bảo an toàn cho bản thân./.